Theo đánh giá của WB, tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý 3 vững chắc hơn nhờ tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi trong tháng 9 so với tháng 8.
Kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong quý 3 với mức tăng trưởng đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước |
Kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong quý 3 với mức tăng trưởng đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng 0,39% của quý 2 bất chấp dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận. Tính chung 9 tháng năm 2020, nền kinh tế tăng trưởng 2,1%.
"Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đạt 7% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu" - báo cáo chỉ rõ.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,8 tỷ USD, một phần nhờ mức thặng dư 2,8 tỷ USD trong tháng 9. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 8% so với cùng kỳ tháng trước, trong khi hàng nhập khẩu tăng 10,7% so với tháng 8.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 9 đã tăng trở lại mức tháng 4 và tháng 5, tăng gần gấp đôi so với tháng 8. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn FDI cam kết giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, WB nhận định đây vẫn là kết quả rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự đoán giảm từ 30-40% theo dự báo mới nhất của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, WB cũng cảnh báo Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro mà lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính đang phải đối mặt, do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế. Tín dụng của nền kinh tế tiếp tục tăng khiêm tốn gây áp lực ngày càng lớn lên những ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với lợi nhuận giảm dần.
Bên cạnh đó, dư địa tài khóa của Việt Nam đang dần bị thu hẹp do nguồn thu giảm và chi ngân sách vượt dự kiến ban đầu, trong khi Chính phủ tiếp tục vay từ thị trường trong nước với lãi suất thấp (trung bình 2,6%) và kỳ hạn dài (15-30 năm).
Trước đó vài ngày, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo GDP của Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar (2%).