CôngThương - Theo tổ chức tài chính đa phương này, sau năm 2013 nỗ lực phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2007-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước, kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực và sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm nay.
Trong "Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu" vừa công bố, WB dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay sau khi tăng 2,4% trong năm ngoái.
WB nêu rõ các nước đang phát triển, vốn đóng vai trò dẫn đầu trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau giai đoạn "bão" tài chính, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5,3% trong năm 2014, tăng so với mức 4,8% của năm ngoái. Mức tăng trưởng này bỏ xa các nước thu nhập cao, những nước dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,2% trong năm nay sau mức tăng trưởng 1,3% trong năm ngoái.
Cụ thể, báo cáo dự đoán nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng lần lượt là 7,7% và 6,2% trong năm nay trong bối cảnh chính phủ hai nước thực hiện các biện pháp cải tổ nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp tục ghi nhận những tín hiệu lạc quan và tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt 2,8% trong năm nay.
Báo cáo của WB cũng dự báo tình hình kinh tế tại 17 nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục được cải thiện và tăng trưởng của khu vực sẽ đạt 1,1% trong năm nay sau hai năm liên tiếp tăng trưởng âm.
Mặc dù lạc quan về triển vọng kinh tế của năm 2014, song báo cáo của WB cũng cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt các luồng lưu thông vốn quốc tế vẫn chưa ổn định trong bối cảnh các nước thu nhập cao bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Đề cập các yếu tố rủi ro có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, WB nhận định hậu quả của việc FED thu hẹp và tiến tới ngừng gói cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, đồng thời khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán bán tháo cổ phiếu và tài sản thế chấp, khiến các nguồn đầu tư ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi có thể giảm đến 50% trong vài quý.
Do đó, WB khuyến cáo chính phủ các nước cần chuẩn bị những biện pháp hiệu quả để đối phó với các sức ép trên thị trường tài chính, theo đó tăng cường thắt chặt các chính sách tiền tệ cũng như cho phép định giá thấp đồng nội tệ.
Ngoài ra, để có thể giảm tình trạng đói nghèo, WB cho rằng các nước đang phát triển cần áp dụng các biện pháp cải tổ cơ cấu nhằm thúc đẩy thị trường lao động, củng cố hệ thống tài chính cũng như duy trì và đảm bảo an sinh xã hội.
Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi tích cực, tuy nhiên các nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Ông cũng chỉ ra những yếu tố tiềm ẩn rủi ro sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế của Eurozone còn chưa ổn định, bất đồng nội bộ trên chính trường Mỹ về các vấn đề liên quan đến ngân sách và mức trần nợ công.