CôngThương - Mức dự báo lạm phát của World Bank (WB) cao hơn rất nhiều so với mục tiêu dưới 6,8% do Chính phủ đề ra cũng như mức dự báo chung của giới chuyên gia trong và ngoài nước. Rủi ro chính nằm ở khả năng nới lỏng mạnh về chính sách vào nửa cuối năm.
Lý giải về vấn đề này, ông Deepak Mishra- Chuyên gia kinh tế trưởng của WorldBank Việt Nam- cho biết, tương quan giữa con số tăng trưởng và con số lạm phát không phải là tương quan 1:1, có trường hợp tăng trưởng cao nhưng lạm phát lại thấp và ngược lại. Lạm phát có thể ở những mức độ khác nhau tùy thuộc vào việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước và mục tiêu của chính phủ đặt ra như thế nào?
Ông Deepak Mishra lý giải, con số 6,8% là mục tiêu lạm phát mà Chính phủ đưa ra chứ không phải là dự báo. Còn con số 8- 8,2% là con số mà WB dựa trên những dự báo. Tuy nhiên, diễn biến tình hình có thể thay đổi, với chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ hơn thì con số lạm phát có thể dừng lại ở mức 6,5%.
Theo WB, với những diễn biến đã và đang xảy ra và những diễn biến dự kiến sẽ xảy ra trong vòng 6 tháng tiếp theo, đặc biệt là các vấn đề giá cả trong các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục giá điện, xăng dầu và các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá... và các tác động của nó, dự kiến đến cuối năm 2013 lạm phát có thể lên từ 8- 8,2%. Năm 2014 con số này khoảng 7,9%.
Chuyên gia World Bank nhận định, Việt Nam đang tăng trưởng chậm hơn Philippines, Thái Lan và Indonesia, thậm chí rất gần với Malaysia. Đây đều là những nước có thu nhập GDP bình quân đầu người cao hơn thì nhẽ ra tăng trưởng GDP phải khó khăn hơn Việt Nam, song thực tế lại ngược lại. World Bank cũng tỏ ra quan ngại, thời gian tới, với sự chậm trễ trong triển khai các chương trình tái cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế.