Chủ nhật 27/04/2025 13:41

Vườn xoài cổ thụ hơn nửa thế kỷ ở Cam Lâm (Khánh Hòa) hút khách

Mỗi cây xoài cổ thụ tại Cam Lâm (Khánh Hòa) trên 50 năm tuổi vẫn cho cả tấn quả mỗi khi vào vụ, thu hút du khách thập phương đến tham quan.

Mỗi cây xoài cổ cho từ nửa tấn đến 3 tấn quả

Tại huyện Cam Lâm, thủ phủ xoài của tỉnh Khánh Hòa, có những vườn xoài cổ thụ 50 - 60 năm tuổi. Những cây xoài này có lớp vỏ bên ngoài đã chuyển sang màu nâu đất, xù xì, gốc to 2 - 3 người ôm không hết, tán lá xum xuê, tỏa bóng mát rượi.

Theo người dân địa phương, những cây xoài này có từ thời Pháp đô hộ, thuộc giống xoài Tây, còn gọi là xoài Canh Nông. Xưa người Pháp mang giống xoài Canh Nông từ Ấn Độ sang, bà con mình thấy giống xoài ngon quá, nên lấy về trồng khắp huyện, từ đó giống xoài này có ở mọi nơi.

Gốc xoài cổ thụ 4 người ôm không xuể. Ảnh: T.T

Qua thời gian, những gốc xoài kia đã được người dân ghép, chuyển đổi sang giống khác có năng suất và chất lượng cao hơn. Những cây xoài cổ thụ có phần rễ mọc sâu, bám chắc, tán rộng, mỗi cây được trồng cách xa nhau cả chục mét. Vào vụ, những cây xoài cổ thụ này rất sai quả, khi xoài chín, hương thơm lan tỏa khắp cả một vùng.

Theo anh Đặng Thế Truyền (33 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Camlamonline), giống xoài Canh Nông thân lớn, tán lá vươn cao, độ phủ lớn, được trồng thưa để cây dễ phát triển. “Mỗi vụ, nhà vườn thu từ nửa tấn cho đến 3 tấn quả mỗi cây. Xoài Canh Nông chín chua thanh, ngọt nhẹ, có mùi thơm riêng biệt, rất được ưa chuộng”, anh Truyền chia sẻ.

Những cây xoài cổ thụ được trồng cách xa nhau trong khu vườn rộng lớn

Anh Trần Lê Hòa (29 tuổi, Giám đốc Công ty Mango Cát Tiên) cho biết: Trước đây, xoài được người dân bán chủ yếu qua thương lái nên thường xuyên xảy ra tình trạng ép giá. Nhiều khi mùa xoài chín, sản lượng lớn nhưng bán rất rẻ, lắm lúc phải đổ bỏ nên rất tiếc, quanh mãi điệp khúc được mùa thì mất giá, được giá mất mùa.

Sản lượng xoài lớn cũng là nguồn nguyên liệu khá ổn định cho việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ xoài. "Hiện những quả xoài cổ thụ được chúng tôi chế biến thành các sản phẩm bánh tráng xoài, xoài sấy dẻo, dễ bảo quản, phù hợp thị hiếu của khách hàng và được người tiêu dùng ưa chuộng”, anh Hòa thông tin.

Với nét độc đáo, hấp dẫn riêng có của vườn xoài cổ thụ Cam Lâm, những người trẻ như anh Truyền, anh Hòa tìm cách lan tỏa hình ảnh vườn xoài cổ qua mạng xã hội, “thuyết phục” du khách gần xa đến tham quan. “Những người trẻ chúng tôi rất muốn phát huy giá trị văn hóa, biểu tượng về xoài của người dân Cam Lâm, để du khách trong và ngoài nước đều biết về những cây xoài 50, 60 năm tuổi cho quả trĩu cành”, anh Truyền cho hay.

Du khách tham quan vườn xoài cổ Cam Lâm. Ảnh: T.T

Tạo ra lợi ích kép cho nhà nông và ngành du lịch

Nói về tiềm năng phát triển du lịch của vườn xoài cổ thụ, anh Trần Lê Hòa nhìn nhận: Vườn xoài cổ thụ huyện Cam Lâm nằm giữa TP Cam Ranh và TP Nha Trang, gần các khu du lịch lớn ở Bãi Dài, thuận tiện cho việc di chuyển và kết nối lịch trình với các địa điểm du lịch khác.

“Ngoài tham quan vườn xoài cổ thụ, du khách còn được hái xoài, theo dõi quy trình và tự tay trải nghiệm các công đoạn làm bánh xoài cùng người dân địa phương, mang nét độc đáo riêng, khác biệt”, anh Hòa nói thêm.

Thời gian qua, nhiều đoàn khách đã tìm tới điểm vườn xoài, chụp hình, tự tay hái xoài, trò chuyện với người nông dân và tìm hiểu về quy trình canh tác, thu hái nông sản… tạo sự phong phú cho du lịch địa phương.

Cùng đoàn du khách tham quan vườn xoài cổ, chị Lê Khánh Ngọc (du khách từ Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng thấy bất ngờ vì nghe cây xoài gần trăm năm tuổi vẫn cho ra trái trĩu cành khi vào mùa. Được tham quan, tự tay chế biến bánh xoài, thưởng thức hương vị thì cảm thấy cực kỳ thú vị”, chị Ngọc chia sẻ.

Du khách nước ngoài thích thú tạo dáng cạnh gốc xoài hơn 50 năm tuổi. Ảnh: T.T

Ngay trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước cũng tìm đến vườn xoài cổ thụ, trải nghiệm tự tay chế biến các sản phẩm từ xoài, ngắm nhìn và chụp ảnh với những gốc xoài cổ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho hay: Thời gian gần đây mô hình du lịch nông nghiệp dần được hình thành với việc thực hiện các tour trải nghiệm tại các vườn xoài có tiềm năng ở xã Cam Hải Tây, xã Cam Thành Bắc do một số đơn vị lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm từ xoài tổ chức. Du khách được ‘check-in’ cùng những cây xoài cổ thụ, được tự tay hái xoài và thưởng thức xoài tại vườn, được tham quan showroom trưng bày các sản phẩm xoài để thưởng thức các loại đồ uống làm từ xoài và mua các sản phẩm như trà xoài, xoài sấy về làm quà.

Nhiều bạn trẻ thích thú khi trải nghiệm ở vườn xoài cổ thụ. Ảnh: T.T

Theo Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, với việc hình thành mô hình du lịch này đã tạo ra lợi ích kép cho nhà nông và ngành du lịch; góp phần quảng bá giá trị của trái xoài, cũng như giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của địa phương và làm phong phú, đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, góp phần đưa ngành du lịch huyện tiếp tục phát triển.

“Hiện nay, từ khoá ‘Xứ xoài Cam Lâm’ đã được nhiều du khách quan tâm, tìm kiếm. Đây là mô hình du lịch dựa trên thế mạnh nông nghiệp của địa phương với nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới, kỳ vọng đưa Cam Lâm trở thành một điểm du lịch sinh thái với sức hấp dẫn mới”, ông Bảo nói.

Xoài là cây trồng chủ lực của huyện Cam Lâm, tổng diện tích xoài trên địa bàn huyện hiện nay khoảng 7.000 ha.

Trong đó, giống xoài Úc (R2E2 – khoàng 4.000 ha, chiếm 57%), còn lại là các giống: Canh nông, Hòa Lộc, Đài Loan, Tứ quý.

Đức Thảo
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Khánh Hòa

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương Đắk Nông chủ động mở rộng đầu ra nông sản

Bà Rịa-Vũng Tàu: Đồng loạt khởi công, khánh thành 4 công trình

Long An khởi công, khánh thành 5 dự án trọng điểm

Khởi công Dự án Nhà ga T2 - Cảng hàng không Đồng Hới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẽ đấu thầu 43 ha làm Nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn

Điện Biên dự kiến giảm mạnh 65% đơn vị cấp xã

HĐND TP. Hồ Chí Minh họp kiện toàn bộ máy hành chính

Ninh Thuận: Biến nắng gió thành đột phá phát triển kinh tế xanh

DDCI Sơn La 2024: Đòn bẩy cải cách môi trường kinh doanh

Hà Nam: Mở lối phát triển nấm linh chi dược liệu

Đắk Nông đẩy mạnh kết nối, mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP

Những lợi thế kinh tế của tỉnh Long An và Tây Ninh

Ninh Thuận tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư triển khai Dự án Nhiệt điện khí LNG Cà Ná

Tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang họp bàn phương án hợp nhất

Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết 55- Bài 1: Tiết kiệm năng lượng không chỉ là khẩu hiệu

Đồng Tháp - Tiền Giang: Động lực tăng trưởng mới của miền Tây

Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu được giao cấp phép hoạt động điện lực

Bình Dương: Xem xét nhiều nội dung về đầu tư công, quy hoạch, công nghiệp

Kinh tế Cà Mau và Bạc Liêu thế nào trước dự kiến sáp nhập tỉnh?

Khánh thành nhà máy sản xuất đồ chơi lego tỷ USD tại Bình Dương