Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) tại Hải Phòng sẽ là nơi lan tỏa và kết nối kịp thời các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng với các điểm kết nối trên cả nước, phục vụ hoạt động tư vấn, đánh giá, lựa chọn, liên kết, hợp tác ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, qua đó đẩy nhanh việc ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSH nói riêng và cả nước nói chung.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, cả nước đã có 7 điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội (2 điểm), các tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Đắk Lắk và TP.Cần Thơ. Mặc dù một số điểm mới thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 nhưng đã thực hiện hiệu quả trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ.
Cụ thể, đã tổ chức gần 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung - cầu, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan; giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KH&CN, ký kết thành công nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị hàng tỷ đồng; đồng thời đã kết nối với các chuyên gia của Hàn Quốc đào tạo, cấp chứng nhận điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho 20 học viên của Việt Nam.
“Tuy đây là kết quả bước đầu của các điểm kết nối cung - cầu công nghệ nhưng đã cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường KH&CN tại các vùng, địa phương” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh và cho rằng, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, các sở KH&CN trong vùng tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, các nhà khoa học, viện nghiên cứu để tiếp tục triển khai các kết quả từ điểm kết nối.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng hy vọng các biên bản hợp tác, ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ sớm được hiện thực hóa. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng quy định cơ chế hoạt động của điểm kết nối cung - cầu công nghệ để thu nhận ý kiến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các địa phương.
Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ |
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định, việc hình thành và đưa vào hoạt động Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH tại Hải Phòng là một trong những giải pháp phát triển các loại hình tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, xúc tiến chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Theo ông Lê Khắc Nam, trong thời gian qua Hải Phòng đã kết nối chặt chẽ với thị trường KH&CN, thị trường hàng hóa nói chung với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH. Do đó, việc khai trương đưa Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong vùng đẩy mạnh hoạt động trình diễn, giới thiệu, tư vấn công nghệ và thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển.
“Việc thiết lập điểm kết nối mới này tại Hải Phòng sẽ kết nối hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng nói riêng và toàn vùng ĐBSH nói chung” - ông Lê Khắc Nam bày tỏ.
Việc khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng ĐBSH là hoạt động cụ thể hóa chính sách thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã xác định rõ vai trò của điểm kết nối cung - cầu công nghệ trong việc thực hiện các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, công bố, trình diễn giới thiệu công nghệ. |