Về đất thép, thành đồng Đóng điện nâng tải đường dây 220kV Củ Chi - Trảng Bàng Ghi nhận hoạt động bán hàng tại vùng xanh Củ Chi |
Trang sử hào hùng
Suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Củ Chi đã trở thành chiến trường ác liệt, nơi diễn ra những trận chiến tranh du kích ngoan cường giữa quân và dân ta với quân xâm lược hung hãn. Nơi đây không chỉ là địa bàn tranh chấp quyết liệt mà còn là căn cứ địa vững chắc của lực lượng cách mạng, là bàn đạp tấn công vào trung tâm đầu não của quân địch.
Củ Chi được ví như "Đất thép thành đồng", nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Bên cạnh những trận chiến tranh du kích vang dội, Củ Chi còn là nơi xây dựng hệ thống địa đạo kiên cố, che chở cho quân và dân ta hoạt động, chiến đấu và sản xuất. Hệ thống địa đạo Củ Chi là biểu tượng cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép,” một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. |
Đế quốc Mỹ tàn bạo đã trút xuống Củ Chi hơn 240.000 tấn bom đạn, tổ chức hơn 5.000 trận hành quân càn quét hòng tiêu diệt ý chí chiến đấu của quân và dân ta.Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Củ Chi đã phải gánh chịu những hy sinh to lớn.
Hơn 17.000 người con anh hùng đã hy sinh, hàng nghìn thương binh, bệnh binh mang trên mình những thương tích chiến tranh. Huyện Củ Chi vinh dự có 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 772 Mẹ Việt Nam Anh hùng. 2 đơn vị lực lượng vũ trang và 19/21 xã, thị trấn trong huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến tranh đã gieo rắc lên mảnh đất Củ Chi những vết thương đầy rẫy đau thương, bình quân mỗi người dân Củ Chi phải “gánh” 1,5 tấn đạn bom do kẻ thù ném xuống. Hàng chục ngàn ngôi nhà bị cháy sập, hàng vạn hecta ruộng vườn bị cày xới, mặt đất dày đặc hố bom, trong lòng đất còn ẩn chứa đầy rẫy bom mìn.
Trước những thách thức ác liệt và nghiệt ngã của chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bám trụ chiến đấu kiên cường với ý chí sắt đá "một tấc không đi, một ly không rời". Khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam được thể hiện rõ nét qua tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Quân và dân Củ Chi đã sáng tạo không ngừng, vận dụng mọi phương thức chiến tranh để đánh giặc. Họ sử dụng mọi loại vũ khí, từ thô sơ đến hiện đại, từ chiến trường đến địa đạo, từ ban ngày đến ban đêm. Mỗi người dân đều là chiến sĩ, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Như văn bia tại Đền Bến Dược, Củ Chi đã ghi nhận: "Vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần".
Tinh thần quật cường, ý chí kiên định và sự sáng tạo của quân và dân Củ Chi đã hun đúc nên biểu tượng anh hùng của mảnh đất này - hệ thống địa đạo Củ Chi. Nơi đây được ví như "trận đồ biến hóa" trong cuộc kháng chiến trường kỳ, ác liệt chống kẻ thù xâm lược.
Địa đạo Củ Chi không chỉ là một công trình quân sự độc đáo mà còn là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu kiên cường, ý chí không khuất phục của quân và dân ta. Trải qua 30 năm chống Mỹ cứu nước, địa đạo Củ Chi đã trở thành "kỳ quan đánh giặc" có một không hai trên thế giới, khiến cả bạn bè quốc tế phải khâm phục.
Ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các lực lượng võ trang nhân dân Giải phóng toàn miền Nam lần thứ II, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã vinh danh huyện Củ Chi (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh) danh hiệu cao quý "Đất thép thành đồng" cùng Huân chương Thành đồng hạng Ba. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những chiến công hiển hách của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Củ Chi đã ghi dấu ấn chói lọi trong thời chiến với vai trò là địa đầu gánh chịu mưa bom, bão đạn. Ngày nay, mảnh đất anh hùng này đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong công cuộc đổi mới. Nhiều khu công nghiệp được thành lập, thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc. Song song đó, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cũng không ngừng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
“Đất thép” viết tiếp trang sử mới
Trải qua cuộc kháng chiến cứu nước đầy vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian khổ, hy sinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển.
Khu Công nghiệp Tân Phú Trung đóng góp hơn 70% tỷ trọng kinh tế của huyện Củ Chi. |
Ngay sau những ngày đầu giải phóng, Củ Chi đã nhen nhóm ý chí và nghị lực phi thường để xây dựng quê hương. Nổi bật trong bức tranh đổi mới của Củ Chi là những công trình mang đậm dấu ấn vượt khó, tiêu biểu là công trình thủy lợi Kênh Đông được ví như “địa đạo nổi trên lòng đất” hay hệ thống giao thông nông thôn kết nối toàn huyện và địa bàn lân cận.
Đến nay, 100% số xã trên toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Củ Chi được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh. Cùng với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành trên địa bàn huyện Củ Chi, với sự đa dạng ngành nghề, đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân cả nhiệm kỳ đạt 16,16%, vượt 0,48% chỉ tiêu. Công nghiệp trên địa bàn huyện tăng 16,6%, chiếm tỷ trọng gần 77,5%.
Trong năm 2023, huyện Củ Chi đã hoàn thành đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 100,57%, tăng 8,82% so cùng kỳ và thu ngân sách đạt 115,8% so với chỉ tiêu đề ra, đặc biệt thu từ khu vực kinh tế đạt 128,7% kế hoạch năm, tăng 127,66% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 31,3% trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023. Thực hiện và giải ngân đối với từng dự án đầu tư công ước đạt 3.155,702 tỷ đồng. Tập trung triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án trên địa bàn huyện, nhất là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.