Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh: Mở lối xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Đảm bảo an toàn dịch bệnh là yêu cầu tiên quyết |
Ngày 14/5, tại TP Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn, đã tổ chức buổi họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và chuỗi sự kiện: Lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Muốn xuất khẩu vùng nuôi phải an toàn
Tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nhấn mạnh về tầm quan trọng về vùng an toàn dịch bệnh với ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi.
Cụ thể, theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật và động vật bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. “Chúng ta muốn hướng tới xuất khẩu thì buộc phải tuân thủ các quy định này. Tại Việt Nam, vùng an toàn dịch bệnh không phải bây giờ mới xây dựng mà đã được thực hiện trong nhiều năm qua và đã có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, thịt lợn đã xuất sang các thị trường như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc); thịt gà đã xuất đi Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.
Đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh- chia sẻ thông tin, năm 2024, đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 9 triệu con. Trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; có một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi họp báo |
Cũng theo ông Trần Văn Chiến, Tây Ninh xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.
Kinh nghiệm thành lập vùng an toàn dịch bệnh từ Hà Lan
Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Heus cho biết về sự phân chia, cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác. Đặc biệt, phân vùng an toàn dịch bệnh theo khái niệm của OIE, để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu thịt sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm. “Nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Hiện giá trị ức gà châu Âu cao gấp 2-3 lần ở Việt Nam”, ông Gabor Fluit phân tích.
Bên cạnh lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cũng đã chia sẻ thêm về chuỗi các sự kiện được tổ chức đồng loạt trong ngày 19/5. Đó là lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 có tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng, và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Sự kiện cũng là hoạt động nằm trong chương trình hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn phát biểu tại buổi Họp báo |
Ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ thêm, sự kiện tại Tây Ninh dịp này hứa hẹn sẽ là một sự kiện vô cùng đặc biệt với những điểm nhấn như: Quy mô ấn tượng (Công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, thể hiện tầm vóc và tiềm lực của DHN); kết nối đa điểm (kết nối trực tiếp 7 điểm cầu phụ với điểm cầu chính). Bên cạnh đó, sự kiện còn được livestream trên các nền tảng số như: Fanpape của Đài Truyền hình Tây Ninh; Fanpage của Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus, Bel Gà và các đối tác trong chuỗi liên kết.
Song song với chuỗi sự kiện chính là lễ ký kết 2 Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus và các đối tác, gồm: Khảo sát, đầu tư xây dựng nhà máy ấp con giống hiện đại, công nghệ cao, xây dựng trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, cung cấp sản phẩm vịt giống và vịt thịt; triển khai kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm gia cầm theo tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu đi thị trường quốc tế và các nước Hồi giáo.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, chuỗi sự kiện được tổ chức trong ngày 19/5 là “bước chạy đà” đầu tiên của chiến lược hợp tác mới giữa Hùng Nhơn với De Heus. Theo đó, 2 tập đoàn cùng các thành viên sẽ xây dựng chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn. Trong chuỗi liên kết này, 2 “đầu tàu” là De Heus và Hùng Nhơn cùng hệ thống liên kết chuỗi bao gồm: DHN, Bel Gà, Green Chicken, Visakan, Big Duchtman, Bio Agritech HN. Đây cũng là hướng đi đang được các tập đoàn toàn cầu theo đuổi, đó là mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”. Dự kiến, mô hình này sẽ đạt doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2030.
Chuỗi sự kiện ngày 19/5 sẽ có khoảng 1.000 đại biểu và khách mời gồm lãnh đạo Chính phủ; Văn phòng Chính phủ; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh… Ngoài ra, chuỗi sự kiện còn có sự tham dự của các doanh nghiệp quốc tế, hiệp hội như: Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham), Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế Giới (WB), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB),… |