Huyện Mê Linh (TP. Hà Nội) từ lâu được biết đến là một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất của thành phố, với tổng diện tích khoảng 1.000ha, trong đó, riêng xã Tráng Việt chiếm gần 1/3 tổng diện tích (khoảng 300ha).
|
Thôn Đông Cao, một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất của TP. Hà Nội |
Thế nhưng, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão kéo theo lưu lượng nước quá nhiều, toàn bộ diện tích canh tác rau của bà con nông dân nơi đây bị “mất trắng”, những cánh đồng rau rơi vào cảnh xơ xác, rau màu dập nát, hư hỏng, chỉ còn lại bùn đất.
|
Do ảnh hưởng của bão Yagi, 100% vườn tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) bị ngập chìm trong nước từ 1m đến hơn 1,5m, khiến toàn bộ diện tích rau màu đến thời kỳ thu hoạch bị hư hỏng hoàn toàn |
Ông Võ Văn Lừng (trú tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội), nhìn về 1,25ha rau trồng xơ xác, héo úa ngậm ngùi nói với phóng viên: “300 cây su hào, 7 giàn mướp mất sạch, cách đây 7 ngày, thấy nước rút tôi cũng bắt đầu dọn vườn rồi gieo lại rau, nhưng cứ gieo xuống là lại chết. Do nước ngập lâu quá, đất úng làm gì còn chất dinh dưỡng để nuôi cây. Cây yếu không có lực là chết một loạt. Tôi sốt ruột lắm”.
|
Ông Võ Văn Lừng bên cạnh giàn mướp đã héo khô |
Vừa nhanh tay nhổ cỏ trên những luống cải ngồng mới gieo trồng được 10 ngày tuổi, cô Nguyễn Thị Chiến (xóm 2, thôn Đông Cao, huyện Mê Linh) cho biết, vụ này gia đình cô thiệt hại gần cả trăm triệu đồng. Hơn 2ha đất trồng rau củ các loại từ mướp đắng, cải Đông Dương, cà chua, củ cải,… tại vườn đều bị lũ cuối trôi.
|
Một vườn rau cải ngồng xanh mướt của nhà bà Nguyễn Thị Chiến nay chỉ còn toàn cành khô |
“Thương lái mấy ngày nay tới tận vườn tìm mua với giá cao nhưng nhà nào nhà nấy đều lắc đầu vì chẳng còn rau mà bán. Nhiều hộ có ruộng cao như nhà tôi may ra giữ lại được khoảng 30% hoa màu thôi”, cô Chiến cho hay.
|
Người dân cho biết, mỗi sào rau thiệt hại từ 8 đến 50 triệu đồng, tuỳ từng loại rau củ |
Tương tự nhà bà Chiến, ra vườn cải tạo đất đai, chờ mòn mỏi ngày hôm nay để xuống giống trên ruộng rau, anh Nguyễn Ngọc Tân (thôn Đông Cao, xã Tráng Liệt, huyện Mê Linh) cũng không khỏi lo lắng.
|
Một giàn cây đinh lăng bị héo úa tại thôn Đông Cao |
“3 xào mướp, 2 luống cà chua nhà tôi bị mưa dầm hết, quả thì ngập ngụa dưới bùn, lá bị úng thối nên coi như mất trắng, giờ bỏ hết để làm lại thì đất ở ruộng vẫn úng nước, không thể gieo trồng gì được”, anh Tân cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, nhiều hộ gia đình tại thôn Đông Cao có ruộng thấp, nước ứ đọng khiến người dân không thể xuống giống trồng vụ mới. Tuy nhiên, tại một số khu vực ruộng cao, tranh thủ thời tiết không mưa, nước rút, bà con nông dân đã tích cực, khẩn trương xuống đồng “nỗ lực” thu dọn rau màu bị chết, tập trung làm đất để vào vụ mới.
|
Một số nơi ruộng cao, người dân đang khẩn trương bắt tay vào khôi phục lại sản xuất rau nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường rau những tháng cuối năm 2024 |
|
Cải tạo chất lượng đất là vấn đề được bà con quan tâm nhất lúc này |
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, hiện nay, chính quyền địa phương đang chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND xã Tráng Việt tập trung hỗ trợ người dân tại thôn Đông Cao làm đất để gieo trồng vụ mới. Trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con sử dụng các giống rau ngắn ngày để sớm cho thu hoạch, bảo đảm cung ứng cho thị trường.
|
Các giống rau ngắn ngày đang được trồng để bảo đảm đầu ra cho rau xanh tại thôn Đông Cao, vốn được nhiều người tiêu dùng biết đến, lựa chọn |
|
Màu xanh đã bắt đầu quay trở lại một số thửa ruộng, nuôi sống hy vọng cho bà con tại thôn Đông Cao |
Theo ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn Đông Cao, với tiến độ sản xuất khẩn trương như hiện nay, dự kiến trong 20 - 25 ngày nữa, vựa rau tại thôn Đông Cao sẽ cho lứa thu hoạch đầu tiên. Hàng trăm tấn rau sẽ sớm được cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu rau xanh phục vụ người dân Thủ đô.