Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 9 với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á”, do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và sự tiến bộ của công nghệ.
Bất chấp các thách thức toàn cầu, nền kinh tế của khu vực vẫn trụ vững, tăng trưởng GDP mạnh mẽ và lạm phát hạ nhiệt. Nền kinh tế số là động lực chính của sự tăng trưởng này, tổng giá trị hàng hóa (GMV), doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trong hai năm qua. Năm 2024, nền kinh tế số khu vực dự kiến đạt 263 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV), thu về 11 tỷ USD lợi nhuận, theo đó GMV và lợi nhuận đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt ở mức 15% và 24% kể từ năm 2023.
Riêng tại Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024, hai lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực thúc đẩy chính.
Video thương mại thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam. (Ảnh minh họa, nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) |
Trong đó, ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2023, với mức GMV chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam. Ở khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của lĩnh vực này được thúc đẩy thần tốc bởi video thương mại (video commerce) - mô hình sử dụng video trực tuyến để quảng bá sản phẩm và bán hàng.
Không chỉ đóng góp vào GMV và thu hút khách hàng mới, hình thức video thương mại chứng kiến tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua.
Mặc dù tác động toàn bộ của video commerce trong việc giữ chân khách hàng lâu dài vẫn chưa rõ nét, mô hình này mang lại tiềm năng xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và thúc đẩy lòng trung thành lâu dài với thương hiệu.
Bên cạnh đó, năm 2023 người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mở rộng phạm vi khám phá, những từ khóa tìm kiếm không chứa tên thương hiệu chiếm 68% tổng lượng tìm kiếm, trong khi đó tìm kiếm về các thương hiệu cụ thể chiếm 32% còn lại. Các thương hiệu đang tiếp cận khán giả thông qua việc hợp tác với nhà sáng tạo nội dung ở đa dạng lĩnh vực hơn ngoài danh mục cốt lõi của họ và thậm chí nhiều nhãn hàng tự trở thành nhà sáng tạo nội dung.