Từ luận án tiến sĩ môn cầu lông đến chuyện “loạn” đề tài tiến sĩ |
Trách nhiệm trước hết là của cơ sở đào tạo, người hướng dẫn
Trước những ồn ào từ vụ việc "luận án tiến sĩ cầu lông" và nhiều đề tài được cho là không xứng tầm tiến sĩ, dư luận đang đặt ra câu hỏi, có hay không việc thiếu chặt chẽ trong quy trình xét duyệt đề tài? Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ.
“Đặc biệt, theo quy định tại Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể” – bà Thuỷ cho biết.
Theo đó, việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước:
Một, đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp trường/viện.
Hai, người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài (ít nhất có người không công tác tại cơ sở đào tạo), có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án. Thành viên Hội đồng đánh giá luận án phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó Chủ tịch Hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án.
Ba, kết quả nghiên cứu của đề tài luận án phải được công bố trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học ở trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các cơ sở đào tạo trước và sau khi bảo vệ luận án đã bổ sung thêm một kênh công khai, minh bạch hóa thông tin để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án.
Trên web Luận văn - Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, nhiều nghiên cứu tương tự đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh. |
“Quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh.
Một điểm đáng lưu ý được bà Thuỷ chỉ ra là quy chế còn quy định rõ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thẩm định nội dung một số luận án tiến sĩ khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát”.
Không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm
Về mặt hệ thống, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học và thực hiện vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chú trọng đến việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh.
“Việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. Theo đó, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý" – bà Thuỷ nói.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình trong chuyên môn học thuật, tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin về quy trình đào tạo tiến sĩ để tranh thủ tiếp nhận và tổng hợp các phản biện xã hội và phản hồi của các bên liên quan về chất lượng đào tạo tiến sĩ, khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin trong rà soát việc sao chép luận văn, luận án và thực hiện tốt liêm chính khoa học.
Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện và giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo các nhà giáo dục, không chỉ 'tiến sĩ cầu lông' mà nguy cơ sẽ có rất nhiều tiến sĩ “dỏm” khác và vấn đề không chỉ do quy chuẩn mà còn là công tác hậu kiểm khi ngay cả người sử dụng nhân lực và người cùng chuyên ngành với luận án kém chất lượng.
Theo đó, để "dẹp" một số đề tài nghiên cứu trên quy mô hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, đáp ứng mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo cần dựng chi tiết hơn, khoa học hơn về các tiêu chí đánh giá một luận án tiến sĩ không chỉ dừng lại "cái mới" chung chung, cái độc lập không "sao chép".
"Không phải mọi thành viên trong hội đồng đều có kỹ năng đánh giá, phản biện nhận xét một cách khoa học vì điều này tùy thuộc vào năng lực chuyên môn, tư duy và học vấn rộng sâu của mỗi thành viên hội đồng. Tiêu chí đánh giá luận án quá chung chung, thiếu chuẩn mực (viết, phương pháp nghiên cứu, cách trình bày diễn giải số liệu, tư duy hệ thống.., không tham chiếu đến chuẩn đầu ra trong khung trình độ quốc gia...) thì việc đánh giá khó khách quan và liêm chính" - ông Vinh chỉ ra.