Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công An) đã thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7 làm nhiều người thương vong. Cụ thể, vào khoảng 9h ngày 11/7, tại km49 cao tốc hướng đi Hải Phòng, qua địa phận huyện Gia Lộc, Hải Dương, xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô.
Hậu quả dẫn tới việc 2 người tử vong tại hiện trường, 10 người được đưa đi bệnh viện để kiểm tra, 3 chiếc ô tô liên quan bị hư hỏng nặng.
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Bảo Thoa. |
Sau vụ việc, trên diễn đàn mạng xã hội nhận định rằng chiếc xe điện cuối cùng gây ra tai nạn được trang bị hệ thống hỗ trợ người lái ADAS, bao gồm cả phanh khẩn cấp tự động. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể tránh khỏi vụ va chạm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, giám đốc trang tin về ô tô Whatcarvn, người có kinh nghiệm sử dụng các dòng xe điện như VinFast VF 8, VF 7 chia sẻ: ''Mọi người cứ nghĩ ADAS là hệ thống tự lái và khi bật lên nó sẽ tự lái và tự phanh. Nhưng rất nhiều người đã chủ động tắt hệ thống phanh khẩn cấp để khi đi phố cho đỡ bị can thiệp. Còn khi bật ACC (kiểm soát hành trình chủ động) thì nó chỉ bám bắt các vật thể chuyển động chứ đứng im hay cố định là nó không có tác dụng đâu''.
Vì vậy, nhiều khả năng tài xế chiếc xe điện gây ra tai nạn đã tắt tính năng phanh khẩn cấp để di chuyển trong cung đường đô thị nhưng đã quên bật trở lại khi đi trên đường cao tốc.
Trong khi đó, tính năng kiểm soát hành trình chủ động ACC có tác dụng theo dõi tốc độ của xe đang di chuyển phía trước và tự động điều chỉnh tốc độ của phương tiện để có thể giữ được khoảng cách an toàn mà không cần đến sự tác động của tài xế. Tính năng này dựa trên các radar hoặc tia laser được gắn trên xe, các thiết bị này có nhiệm vụ quét tất cả các phương tiện di chuyển phía trước xe.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, hệ thống ACC chỉ có tác dụng khi các phương tiện phía trước đang di chuyển. Đối với chướng ngại vật đang dừng lại như chiếc xe 16 chỗ như vụ tai nạn vào ngày 11/7, rất khó để các công nghệ hiện đại có thể can thiệp kịp thời. Hình ảnh tại hiện trường cũng cho thấy mặt đường nơi xảy ra tai nạn không có vệt phanh gấp. Do đó, nhiều khả năng tài xế đã không kịp quan sát, để xe va chạm khi ở tốc độ tối đa.
Ngoài ra, nhiều tài xế có kinh nghiệm khuyên rằng người lái ô tô cũng không nên chủ quan ngay cả khi phương tiện được trang bị những tính năng an toàn tân tiến nhất. Trên thực tế, nghiên cứu của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) vào năm 2021 đã cho thấy tính hiệu quả của các tính năng an toàn hỗ trợ người lái trong thời tiết xấu và ở các mức tốc độ khác nhau.
Cụ thể, ở điều kiện thời tiết xấu như mưa mù, mẫu xe được trang bị phanh khẩn cấp tự động di chuyển với vận tốc 56,3 km/h có khả năng va chạm các chướng ngại vật tới 33% trong tổng số lần thử nghiệm. Tính năng hỗ trợ giữ làn đường thậm chí còn lỗi đến 69% trong các lần thử nghiệm ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Về mặt tốc độ, ở vận tốc 27,3 km/h, những chiếc xe có phanh khẩn cấp tự động chỉ bị va chạm 17% số lần chạy thử nghiệm. Tuy nhiên nếu tăng tốc độ lên 56,3 km/h, con số này về cơ bản đã tăng gấp đôi lên 33%.
Kinh nghiệm lái xe an toàn trên cao tốc
Thông thường, lái ô tô trên đường cao tốc có thể khiến tài xế thoải mái hơn bởi làn đường rộng, di chuyển ở tốc độ cao. Nhưng nếu không lưu ý một số quy tắc an toàn thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn nghiêm trọng.
Cụ thể trong vụ tai nạn hôm qua ở trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khi 2 chiếc xe đầu tiên va chạm, các tài xế đã đứng ngay ở làn di chuyển ở vận tốc tối đa để xem xét vụ việc. Trong khi đó, căn cứ theo Điều 9 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT tốc độ tối đa mà người điều khiển xe ô tô được phép chạy trên đường cao tốc là 120 km/h.
Đồng thời, điều 12 trong thông tư kể trên cũng quy định khoảng cách giữa các xe an toàn tối thiểu khi chạy từ 100 km/h - 120 km/h là 100m. Vì vậy, việc đặt biển cảnh báo khi gặp sự cố khi đi trên đường cao tốc với khoảng cách ít nhất 150m là điều cần thiết.
Tài xế cần lưu ý một số quy tắc an toàn trên đường cao tốc. Ảnh: Vietmap.. |
Ngoài ra, người lái cũng lưu ý về vấn đề chuyển làn. Tài xế chỉ được chuyển làn ở những đoạn cho phép (vạch đứt, có biển báo). Khi xác định chuyển làn, cần bật xi nhan để báo hiệu cho xe phía sau ở làn bên cạnh. Đồng thời quan sát xe chạy trước và xe chạy sau của làn hiện tại để giữ khoảng cách an toàn rồi mới tiến hành chuyển làn. Bên cạnh đó, khi nhập sang phần đường mới, tùy theo tốc độ cho phép mà giảm/tăng tốc tương ứng.
Quan trọng nhất, tài xế luôn phải giữ sự tập trung tuyệt đối khi di chuyển trên đường cao tốc. Nếu có hiện tượng mệt mỏi, buồn ngủ, cần phải di chuyển tới các trạm dừng nghỉ để đảm bảo thể trạng. Vì khi di chuyển ở tốc độ cao, chỉ cần một khoảnh khắc lơ là cũng có thể gây ra va chạm khó lường.
Ở một diễn biến khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin với báo chí rằng 3 ô tô tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sáng 11/7 vẫn còn hạn đăng kiểm. |