Mới đây, mạng xã hội đang xôn xao trước hành động hoa hậu Phương Lê (tên thật là Lê Thị Hậu Phương) có hành vi hát chế lời Quốc ca trên sóng livestream. Cụ thể, trong một phiên livestream, Phương Lê đã có hành động “chế” lời bài Tiến quân ca thành: "Đoàn quân Việt Nam đi trong lòng của má" với giọng điệu đùa cợt.
Toàn văn lời xin lỗi của hoa hậu Phương Lê trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh chụp màn hình) |
Hành vi này ngay lập tức đã gây bức xúc trong dư luận, buộc Phương Lê phải gửi lời xin lỗi khán giả trên trang Facebook. Cô khẳng định không chế lời hay xúc phạm Quốc ca mà cho rằng mình chỉ "sửa lời câu hát trong tình huống bị các anti fan công kích".
Phương Lê cũng thừa nhận đã không tinh tế trong sử dụng ngôn từ, vô tình đẩy sự việc đi quá xa. Tuy nhiên, cô khẳng định bản thân không chế lời Quốc ca: "Bản thân tôi không chế lời hay xúc phạm Quốc ca. Từ bao lâu nay, Phương Lê cũng như mỗi người dân Việt Nam đều tự hào và xúc động khi cất tiếng hát bài Quốc ca thiêng liêng, cũng như ý thức việc thay đổi, sửa lời bài hát là hành động không thể chấp nhận."
Đây cũng không phải lần đầu tiên hành vi “chế” lời quốc ca gây bức xúc cộng đồng mạng. Vào năm 2015, cư dân mạng đã bức xúc sau khi đoạn clip hàng trăm cán bộ, nhân viên sàn giao dịch bất động sản STDA thuộc Tập đoàn Cen Group đã công khai hát: “Đoàn quân nhà Cen đi/ Chung lòng chốt chốt” tại Khu du lịch Bình Quới, thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng trăm nhân viên kinh doanh sàn bất động sản STDA đã xếp hàng hát "chế" lời Quốc ca. |
Tuy vậy, khi trả lời phỏng vấn, ông Trần Minh Long, Tổng giám đốc sàn giao dịch bất động sản STDA khu vực phía Nam thời bấy giờ, đồng thời là tác giả của “bài hát” trên, đã giải thích rất hồn nhiên rằng, bài hát chỉ “mang tính chất nội bộ, anh em chế vài câu hát cho vui chứ chưa đến mức nghiêm trọng.”
Sau sự việc trên, Ban Tuyên giáo TP.HCM đã ra văn bản đề nghị phía Công an TP.HCM điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến ông Trần Minh Long. Tương tự, với vụ việc của hoa hậu Phương Lê vừa qua, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng đã thông báo sẽ mời hoa hậu Phương Lê lên làm việc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật vì những hành động của cô.
Được biết, việc sử dụng Quốc ca sai mục đích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 351 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định "Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca": Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy vậy, trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, hiện nay nước ta chưa có quy định cụ thể nào để xử phạt các hành vi có tính chất xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trên không gian mạng. Đây là một thiếu sót rất lớn, đặc biệt khi nhiều quốc gia trên thế giới đã ra quy định xử phạt hành chính nặng nề đối với những hành động “chế” lời quốc ca.
Vào năm 2016, chính phủ Liên bang Nga đã tăng cường hình phạt đối với các hành vi nhạo báng quốc ca, sau khi một đài truyền hình tại bán đảo Crimea đã cố tình thay đổi lời quốc ca và ám chỉ Nga là một "quốc gia vô tri vô giác" trong một buổi phát sóng trực tiếp. Với quy định hiện nay, một công dân Nga nếu bị phát hiện cố tình thay đổi lời trong quốc ca có thể chịu mức án phạt là 1 năm trong tù, và bị xử phạt hành chính với số tiền tối đa là 150.000 rúp (tương đương 40 triệu đồng).
Tháng 4 năm 2022, một thiếu niên có tên là Chui Hoi-chun, sống tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), đã phải chịu mức án ba năm trong một trại giáo dưỡng, vì đã “chế” lời quốc ca Trung Quốc trên mạng xã hội. Theo luật pháp Hồng Kông, hành động xúc phạm quốc ca hoặc quốc kỳ có thể bị phạt tù ba năm và bị xử phạt hành chính lên tới 50.000 đô la Hồng Kông (tương đương 159,1 triệu đồng).
Đầu năm nay, Tòa án quốc gia Estonia đã kết án Jüri Kivit, 55 tuổi, vì tội phỉ báng biểu tượng quốc gia, sau khi phát hiện người này đã “chế” lời quốc ca Estonia trong một đoạn video có tên "Đất nước của tôi đã phát điên". Thậm chí, bên công tố đã đề nghị mức án tù sáu tháng đối với Kivit, nhưng cuối cùng người đàn ông này đã bị xử phạt hành chính số tiền 15.000 euro (tương đương 415,6 triệu đồng).
Đáng chú ý, kể từ sau những vụ việc trên, Nga, Trung Quốc và Estonia đã không phát hiện thêm bất kì trường hợp “chế” lời quốc ca trên không gian mạng. Qua đó đã chứng tỏ sự cần thiết và hiệu quả của những chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm Quốc ca.
Được biết, hành vi xúc phạm Quốc ca vừa được bổ sung vào Dự thảo Nghị định quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Cụ thể, Điều 7 dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi phát tán thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Đối với những cá nhân làm ra thông tin có nội dung như trên, mức phạt sẽ là 20 - 30 triệu đồng. Cá nhân có hành vi vừa làm ra, vừa phát tán những thông tin có nội dung như trên sẽ bị xử phạt 30 - 50 triệu đồng.
Có thể thấy, việc bổ sung hành vi xúc phạm Quốc ca vào Dự thảo Nghị định quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng là một quyết định đúng đắn, thiết thực. Nếu được thông qua, mức phạt này sẽ là một lời cảnh tỉnh, răn đe đối với những ai đang sử dụng mạng xã hội mà quên đi tầm quan trọng và ý nghĩa của Quốc ca Việt Nam dẫn tới vi phạm.
Phương Lê (tên thật là Lê Thị Hậu Phương) sinh năm 1979, quê Trà Vinh, nổi tiếng khi đoạt Á hậu Doanh nhân người Việt thế giới 2016. Năm 2017, cô giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hoà bình Thế giới. |