Vụ cháy căn nhà 4 tầng ở Hà Nội: 3 cháu nhỏ mắc kẹt đã tử vong Ba người mắc kẹt trong đám cháy căn nhà 4 tầng ở Hà Nội |
Bài học đau đớn từ những ngôi nhà “chuồng cọp”
Trong thời gian ngắn, nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo người dân, tuy nhiên, có không ít những vụ việc ngôi nhà “chuồng cọp” bị “bà hỏa” viếng thăm và gây hậu quả lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, không chỉ nhà mặt đất mà các khu chung cư cũ đều có tình trạng nhà dân thiết kế kiểu “chuồng cọp”. Việc này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn khi có cháy nổ xảy ra.
Nhiều ngôi nhà "chuồng cọp" xảy ra hỏa hoạn và gây thiệt hại lớn về người, tài sản |
Mới đây nhất, vào sáng ngày 8/7/2023, một vụ cháy nhà dân ở tại ngõ Thổ Quan (phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) đã khiến 3 cháu nhỏ tử vong. Theo tìm hiểu, trước khi bị cháy, tầng một ngôi nhà lắp đặt nhiều ghế sofa, trưng bày nhiều mỹ phẩm, hóa chất phục vụ làm đẹp. Tầng hai là kho chứa đồ, các tầng còn lại phục vụ ngủ nghỉ.
Điều đáng nói là, phía mặt tiền tầng một và hai bị quây kín bởi biển quảng cáo, các tầng còn lại có cửa sổ kính nhưng đã bịt khung sắt bên ngoài. Vì thế, ngôi nhà như một “chuồng cọp” và khi xảy ra cháy, có thể những người bên trong không thể thoát nạn và lực lượng chữa cháy cũng rất vất vả để tiếp cận cứu nạn.
Trước đó không lâu (ngày 13/5/2023), một vụ cháy khác xảy ra tại ngôi nhà cao 3 tầng nằm trên đường Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) gây ra hậu quả 4 người chết, 1 người bị thương. Theo cơ quan Công an, ngôi nhà xảy ra cháy cao ba tầng và một tum. Mặc dù phần tum thông thoáng có thể thoát nạn sang nhà bên cạnh và xuống dưới, nhưng phía trước căn nhà từ tầng 1-3 được quây kín bởi lồng sắt, hay còn gọi là "chuồng cọp".
Một số người dân cho biết, khi phát hiện hỏa hoạn, có người mắc kẹt bên trong, nhưng lửa cháy lớn ở tầng một, phía trước ngôi nhà được quây kín khung sắt nên không thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân.
Có thể nói, trong rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra trên cả nước, những ngôi nhà có “chuồng cọp” đã gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn và việc thoát nạn của người trong ngôi nhà bị cháy. Trên thực tế, có nhiều gia đình đã cẩn thận hàn kín không gian thoáng hoặc gia cố thêm các "chuồng cọp" để chống trộm, tăng diện tích ngôi nhà. Tuy nhiên, việc này gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy. Bởi vì, những vật liệu các gia đình sử dụng để gia cố thường bằng sắt thép, bê tông kiên cố, gây cản trở cho cảnh sát tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra.
Trong khi đó, những nhà dạng ống gần như chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Khi có cháy, lối này đã bị lửa, khói chặn nên phương thức tối ưu nhất của cảnh sát là cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. Thế nhưng, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Chính vì thế, “chuồng cọp” nào càng được gia công kiên cố, thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn.
Khi trong nhà có cháy cần phải làm gì?
Trước những hậu quả đáng tiếc về người và tài sản sau những vụ cháy xảy ra, cơ quan chức năng khuyến cáo, các hộ dân không nên thiết kế, lắp đặt "chuồng cọp", trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa để thoát hiểm. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết.
Các ngôi nhà, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, khi bốc cháy có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm, người dân cần bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu, kìm cộng lực nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để có thể di chuyển tới nơi an toàn.
Người dân đừng để nhà “chuồng cọp” gây tai họa cho chính mình và gia đình |
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo đến người dân, khi phát hiện đám cháy, cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm.
Trong trường hợp lối thoát cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh, cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như di chuyển ra ngoài ban công, sử dụng thang dây, dây thừng, nối các vật dụng như rèm, ga giường... để thoát xuống dưới nơi an toàn.
Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo. Khi xảy ra cháy, không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, trong nhà vệ sinh. Trước khi mở cửa dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt…
Hơn ai hết, người dân cần trang bị những kiến thức cần thiết về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn khi có cháy. Ngoài ra, các gia đình cần đưa ra giải pháp cần thiết để tránh việc tạo ra các “chuồng cọp” cho chính ngôi nhà của mình và từ đó ngăn chặn nguy cơ rủi ro khi không may trong nhà xảy ra cháy nổ.