Những ngày qua, cả nước bàng hoàng, đau xót, tiếc thương khi vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ngõ 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 56 nạn nhân xấu số và để lại đau thương khôn lường, không có gì có thể bù đắp được cho những người ở lại. Có những gia đình tất cả thành viên đều không thể trở về ngôi nhà thân yêu; Những em bé mới vài tháng tuổi hoặc còn đang đi học giờ không còn cả cha lẫn mẹ. Cả những bạn sinh viên còn chưa kịp dự lễ khai giảng đầu tiên, bao dự định, hoài bão vẫn còn dang dở. Trong đó, còn biết bao những ánh mắt thẫn thờ, tiếng nấc đến xé lòng khi nhận ra người thân đã thiệt mạng. Và cũng vẫn còn đó niềm khắc khoải mong chờ tiếng trả lời của người thân sau những hồi chuông điện thoại, bấm phím trong vô vọng…
Đau thương là khôn xiết. Giữa những gam màu xám xịt, đen tối của ranh giới mất mát, chia ly, chúng ta những người ở lại vẫn có quyền hi vọng, vững tin hơn về ngày mai khi sau “cơn cuồng phong” thì tình người, yêu thương vẫn lan tỏa bằng những việc làm thiết thực. Đó không chỉ là lời chia buồn tận đáy lòng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bức thư gửi tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội mà còn là hình ảnh của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi nhận thông tin về vụ cháy đã vào thẳng hiện trường để chỉ đạo khắc phục thảm họa và thăm hỏi những gia đình gặp nạn. Những cái nắm tay thật chặt đến nghẹn lòng, lời thăm hỏi, động viên trong lúc bi thương cũng làm vơi đi đau thương, mất mát.
Sau thảm họa, trên con phố Khương Hạ đã xuất hiện thêm ngày càng nhiều dòng người lặng lẽ “đội” gió mưa đến để thắp một nén nhang như gửi niềm an ủi với người xấu số. Tại Nhà văn hóa số 8 Khương Hạ, rất nhiều những phần quà là túi gạo, thùng mỳ tôm, quần áo, bút, sách…đồng bào cả nước đã gửi đến với mong muốn góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau của các gia đình có người thân gặp nạn. Mộc mạc hơn, có cả những cán bộ hưu trí đã đem hết số tiền lương hưu hàng tháng để gửi vào thùng quyên góp. Thậm chí, có gia đình còn sẵn sàng nhường lại một phần căn nhà của mình để mong san sẻ thiệt hại với người gặp nạn…Tất cả dù quen, hay lạ đều đã đến và làm ấm thêm bao tấm lòng, bao trái tim đang như “vỡ vụn” vì mất mát, đau thương…
Nhiều người dân không phân biệt công việc, tuổi tác đã đến phường Khương Đình để mong đóng góp phần nhỏ bé san sẻ bớt mất mát khó khăn với người gặp nạn - Ảnh Nho Trung - VOV2 |
Thế giới đã phải chứng kiến nhiều thảm họa và thảm họa nào cũng để lại tổn thất khôn lường. Đầu năm 2023, trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2/2023 đã trở thành nỗi kinh hoàng của toàn thế giới khi đã “cướp đi” sinh mạng của hàng chục nghìn con người. Nhưng đó cũng là nơi những câu chuyện tình người tỏa sáng. Giữa những tin buồn về sự mất mát, người ta vẫn rơi nước mắt hạnh phúc khi chứng kiến những cảnh tượng về tình người diệu kỳ và ấm áp.
Người dân thế giới cũng đã từng có những ý kiến ngợi ca về tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người dân Nhật Bản sau mỗi lần đối mặt với thiên tai, thảm họa. Chính khó khăn đã giúp người dân “xứ sở mặt trời mọc” hiểu được tầm quan trọng của đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua thiên tai, khủng hoảng.
Song tại Việt Nam tinh thần “tương thân, tương ái” cũng hiện diện rõ nét không chỉ qua thảm họa cháy chung cư mini vừa qua mà đó đã trở thành truyền thống tốt đẹp hun đúc, đắp bồi qua nhiều thế hệ. Chúng ta vẫn còn nhớ, “cơn bão” Covid -19 đi qua đã gây ra một sự xáo trộn, tổn thất nặng nề với toàn thể xã hội Việt Nam. Nhưng trước sự “càn quét” của Covid-19, tình người Việt Nam như thắm mãi, càng xích lại gần nhau để bước qua "giông bão". Vẫn còn đó hình ảnh đong đầy cảm xúc của biết bao con người thầm lặng phát những phần xôi nhỏ bé, chiếc áo mưa…cho đoàn người hồi hương trên dặm đường thiên lý. Đó còn là hình ảnh anh Nguyễn Văn Kiều, ở bon R'bút, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đăk Lăk) đã quyết định tặng 2,5 ha củ cải trắng cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch với tâm niệm giản dị, mộc mạc. “Tôi không có tiền ủng hộ như mọi người, nhà chỉ có vườn củ cải trắng, tôi dành tặng hết cho bà con thành phố, mong góp một phần sức nhỏ vào công tác phòng chống dịch của cả nước…”.
Giữa những ngày dịch giã, những cân gạo, tấm bánh, hộp sữa của những cụ già, em nhỏ… đã không ngại ngần “san sẻ yêu thương” để người dân vùng dịch thêm vững tin trước nghịch cảnh. Đẹp biết bao tấm lòng, tình cảm, nghĩa cử thấm đẫm tình người của những bà, những mẹ, những chị và bao người dân đã không quản ngại khó khăn, vất vả…tự nguyện quyên góp tiền, thực phẩm để nấu hàng triệu bữa cơm cho vùng cách ly, cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Và cả thế giới cũng phải “ngã mũ” vì những cách làm độc đáo, lan tỏa yêu thương bằng mô hình “Cây ATM gạo”, “Cửa hàng hạnh phúc,” “Cửa hàng 0 đồng,” “Chợ nhân đạo,” “Quán ăn dã chiến,” “Chuyến xe yêu thương”... đã được người Việt Nam triển khai từ thành thị đến nông thôn, từ miền biển đến miền núi xa xôi. Còn nhiều, nhiều lắm kể sao cho xiết …
Tất cả những nghĩa cử, tấm lòng cao đẹp của người dân cả nước sau vụ hỏa hoạn cháy chung cư mini hay khi đứng trước những khó khăn, khốn khó của dịch bệnh “không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ trái tim”.
Có thể thấy, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam ở thời điểm nào cũng có những biểu hiện cụ thể, thắm thiết tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Càng khó khăn gian khổ thì tình thương yêu đồng bào, đồng chí, trách nhiệm với cộng đồng vẫn luôn thường trực trong tình cảm xã hội, trong dòng máu con người Việt Nam. Qua khó khăn, chúng ta càng thấy, một Việt Nam quật cường nhưng giàu lòng nhân ái, ấm áp tình người, tình đoàn kết, yêu thương nhau. Cuộc sống không dừng lại dù có chuyện gì xảy ra, giống như tình yêu thương là suối nguồn của sức sống.