Vụ cháy tại số 37 trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra rạng sáng 13/9 đang thu hút sự quan tâm lớn, sự thương xót của người dân Thủ đô và người dân cả nước. Vụ cháy đã để lại hậu quả rất nặng nề, số lượng người bị tử vong, bị thương rất lớn...
Hiện chưa có thống kê chính thức từ lực lượng chức năng, song với 54 người phải nhập viện cấp cứu và nhiều người mất liên lạc thì có lẽ con số thương vong dự báo là không hề nhỏ.
Lực lượng chức năng đưa các nạn nhân vụ cháy đi cấp cứu |
Xác định hậu quả nghiêm trọng từ vụ việc, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, qua sự chỉ đạo khẩn cấp, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, cũng như của lãnh đạo Thành phố Hà Nội và với sự chung tay của nhiều Bộ, ngành cùng đồng lòng khắc phục hậu quả của vụ cháy.
Nhưng hơn hết, vụ cháy cũng cho chúng ta thấy rõ hơn về thực trạng đáng buồn từ chính ý thức còn hạn chế của người dân trong việc tự trang bị kỹ năng, phương tiện bảo vệ bản thân và gia đình trước hỏa hoạn. Minh chứng, khi vụ cháy xảy ra, do không chuẩn bị các biện pháp ứng phó, nhiều người đã "liều mạng" nhảy từ tầng cao của tòa nhà 10 tầng xuống mong thoát nạn, bất chấp nguy hiểm rình rập.
Song, từ việc tự trang bị tốt các kỹ năng, biện pháp phòng cháy chữa cháy mà gia đình anh Nguyễn Công Huy (SN 1982), một nạn nhân thoát chết từ vụ cháy đã cứu sống chính gia đình của mình chỉ từ một chiếc thang dây được anh trang bị trước đó.
Anh Huy – người cho cả gia đình kịp thời đu thang dây từ tầng 3 xuống, thoát nạn kể lại giây phút đối mặt với ranh giới tử thần: Khoảng 23h30 ngày 12/9, anh cùng vợ và 2 con đang chuẩn bị đi ngủ thì thấy khói đen bốc lên, kèm theo tiếng tri hô thất thanh của mọi người nên vội chạy ra ngoài.
"Gia đình tôi có 4 người, gồm vợ chồng và 2 con nhỏ. Sau khi chạy ra ngoài, tôi ngửi thấy mùi khét kèm khói đen bốc lên nghi ngút từ tầng 1. Ngay lập tức, tôi hô hoán vợ con chạy ra phía sau căn hộ, dùng thang dây và tụt xuống con ngõ phía sau tòa nhà", anh Huy cho biết.
Anh Huy cùng chiếc thang dây dùng để thoát khỏi căn chung cư mini (Ảnh: Trần Thanh). |
Cũng theo anh Huy, gia đình anh may mắn thoát ra ngoài, nhưng đau lòng hơn, vẫn còn rất nhiều người bị mắc kẹt phía trong vì không tìm được phương án cứu thoát. Và như lời anh chia sẻ: "Chỉ chậm khoảng 5 phút thôi là cả gia đình tôi sẽ chết ngạt".
Từ vụ việc này, câu hỏi đặt ra, giá như, mỗi gia đình cũng tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy như gia đình anh Huy thì có lẽ con số thương vong sẽ hạn chế đi phần nào từ vụ cháy. Hay như, chúng ta cũng sẽ không phải chứng kiến hình ảnh thảm thương khi cả hai vợ chồng nhà anh T. (cũng là nạn nhân từ vụ cháy) phải bế con nhỏ 2 tuổi nhảy từ tầng 3 xuống thoát nạn, khiến anh T. bị gãy chân, còn người vợ gãy tay...
Thực tế cho thấy, hàng năm, để hạn chế việc xảy ra cháy, nổ, hỏa hoạn, các ban ngành, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ công an các tỉnh, thành đã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, để mỗi người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa nhằm tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Tuy nhiên, thực tế, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Theo các cơ quan chức năng, hằng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Trong đó, các vụ cháy xảy ra ở các hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trong đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra, nguyên nhân thương vong khi xảy ra cháy, nổ thường là do người dân thiếu những kỹ năng thoát hiểm cơ bản. Do đó, thay vì hoảng loạn, người dân có thể thoát ra ngoài một cách an toàn khi biết những kỹ năng thoát hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng bản thân và gia đình khi có sự cố xảy ra.
Việc trang bị kỹ năng thoát hiểm và thiết kế các đường “thoát hiểm” đối với mỗi ngôi nhà, chung cư là điều hết sức cần thiết. Trong tình huống khẩn cấp, chúng ta có thể sử dụng các kỹ năng thoát hiểm, giải cứu cho bản thân và những người trong gia đình. Đáng lưu ý, những lối thoát hiểm được thiết kế còn giúp lực lượng cứu hoả có thể tiếp cận và hỗ trợ chúng ta khi đám cháy xảy ra.
Qua vụ cháy cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư hiện nay. Để chấn chỉnh và hạn chế tình trạng cháy nổ trên địa bàn, tại cuộc họp giữa Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công an liên quan vụ cháy tại Khương Đình, Thanh Xuân, sáng 13/9/2023, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, khắc phục ngay những tồn tại có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn thành phố. Các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng tới từng người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý tình huống khi có đám cháy xảy ra.