Vụ án địa ốc Alibaba: Nguyễn Thái Luyện phủ nhận cáo trạng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Vụ án địa ốc Alibaba: Tòa thay đổi thời gian xét hỏi bị hại |
Phiên xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty CP Địa ốc Alibaba trong ngày 10/12, tiếp tục thẩm vấn 23 bị và xét hỏi của các luật sư.
Bí cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa |
Trả lời luật sư, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Địa ốc Alibaba) tiếp tục khẳng định bản thân không lừa đảo và bị oan. Bị cáo Luyện cho biết, trong suốt quá trình khởi tố, điều tra và truy tố đã viết khoảng 80 đơn gửi các cơ quan tố tụng, tuy nhiên rất ít được trả lời hoặc có trả lời thì không đúng trọng tâm khiếu nại.
Luật sư hỏi, bị cáo kêu oan, vậy 22 bị cáo cấp dưới có oan không? “Những việc họ làm theo chỉ đạo của tôi và việc làm đó là những giao dịch dân sự hợp pháp, tôi khẳng định là chúng tôi bị oan” - bị cáo Luyện trả lời.
Đối với số lượng bị hại, cáo trạng cho rằng hơn 4.500 người, bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng số khách hàng mua đất phải nhiều hơn rất nhiều con số khoảng 4.500 người mà cáo trạng nêu, có thể họ tin tưởng, bảo vệ công ty nên không làm đơn (?!). Bị cáo Luyện dẫn chứng, các hợp đồng ký từ năm 2016-2019 diễn ra liên tục. Mỗi tháng công ty bán từ 1.000 - 2.000 sản phẩm từ các dự án, có sản phẩm 2 - 3 người đồng sở hữu nên số lượng người mua nhiều hơn.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (ngồi ngoài cùng bên phải) và đồng phạm tại tòa |
Luật sư hỏi, pháp Luật đất đai hiện nay có điều khoản nào nghiêm cấm tách thửa đất nông nghiệp không? Bị cáo Luyện trả lời: Thưa không, mà còn khuyến khích để đầu tư, gia tăng giá trị của lô đất. Đồng thời cho rằng luật không nghiêm cấm tách thửa đất nông nghiệp mà còn khuyến khích đầu tư để tăng giá trị đất.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, kết quả điều tra xác định được Luyện sử dụng hệ thống 22 công ty con, tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp. Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Mặc dù vậy, khi trả lời luật sư các dự án của Công ty CP Đại ốc Alibaba tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu có thật không. Bị cáo Nguyễn Thái Luyện một mực nói đó là những dự định trong tương lai. Đồng thời khẳng định Công ty Alibaba sở hữu hợp pháp các thửa đất đã tách thửa. Bị cáo Luyện còn trình bày, các dự án của Công ty CP Alibaba mua đất nông nghiệp sau đó tách thửa phân lô đều là công khai, minh bạch, có nhiều thửa đất đã tách thửa thành công. Thời điểm cơ quan điều tra thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có nhiều giấy chứng nhận đang đăng ký tại cơ quan chức năng và trong quá trình tách thửa.
Trả lời câu hỏi của luật sư về cáo trạng vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Trung Trường (sinh năm 1992, nguyên Giám đốc Công ty Long Thành Capital) khai là làm giám đốc nhưng chỉ nhận lương cứng 6 triệu đồng/tháng. Quá trình làm việc, bị cáo Trường không biết mình phạm tội, cho đến khi bị bắt thì mới biết mình vi phạm pháp luật.
Trước tòa, bị cáo Trường khai đã mua 9 lô đất nền với giá hơn 2 tỷ đồng của các dự án. Bị cáo Trường cho biết nghĩ việc mua bán không sai, thời điểm đó bị cáo tin tưởng vào bị cáo Luyện sẽ hợp thức hóa được để ra sổ. Bị cáo nghĩ rằng việc phân lô được nên bị cáo cũng mua, không biết những hợp đồng mà mình ký là trái quy định pháp luật, lừa đảo...
Tương tự, các bị cáo còn lại đều khai không biết mình vi phạm pháp luật, do tin tưởng vào bị cáo Luyện nên thực hiện theo chỉ đạo của Luyện. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra biết được đây là hành vi phạm tội…