Ông Văn Ngọc Thịnh- Giám đốc quốc gia WWF (bên trái) và ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Vitas ký hợp tác xanh hóa ngành dệt may, sử dụng năng lượng bền vững |
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác với nhiều nhân tố quan trọng của ngành để thúc đẩy quản lý lưu vực sông tốt hơn và góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững.
Dự án sẽ được triển khai từ năm 2018 tới năm 2020 với mục tiêu là chuyển đổi ngành dệt may tại Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam và toàn bộ khu vực sông Mekong, nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc của cả nước.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam- cho biết, trọng tâm chính của dự án là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của ngành lên tới môi trường. Dự án sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để khuyến khích họ chủ động tham gia hơn vào công tác quản lý sông Mekong, quy hoạch năng lượng bền vững và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này thảo luận về kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững.
Một mục tiêu quan trọng nữa của dự án đó là tác động tới các nhà đầu tư của ngành dệt may Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững.
Ông Văn Ngọc Thịnh- Giám đốc quốc gia WWF- cho biết, đối với WWF, xanh hoá thành công ngành may mặc Việt Nam sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu rộng lớn hơn của WWF về quản trị nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đây là hai vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới. Về lâu dài, WWF muốn nhìn thấy các nhà máy, khu công nghiệp và các nhân tố quan trọng khác của ngành cùng chủ động giải quyết các rủi ro và tác động, không chỉ trong doanh nghiệp của mình, mà còn quản lý có trách nhiệm những nguồn tài nguyên chung trong toàn ngành.
Các bên liên quan chính trong dự án bao gồm các nhãn hàng quốc tế có nhà cung cấp tại Việt Nam, các nhà máy trên toàn quốc, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm Tp. Hồ Chí Minh, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển và các sáng kiến liên quan khác. Các đối tác nước ngoài bao gồm Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc và Hợp tác Lan Thương Mekong.
Dệt may là một trong những ngành có thể gây ra nhiều tác động lên tới môi trường. Quá trình sản xuất của ngành sẽ phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng và tạo ra hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính. Để giảm tác động tới môi trường và thích ứng với các điều kiện thay đổi đang diễn ra, như sự thiếu hụt 40% nguồn nước trên toàn cầu vào năm 2030 do Liên Hợp Quốc dự đoán, ngành dệt may cần phải thay đổi quy trình sản xuất. |