Nhiều khu du lịch, khách sạn đẳng cấp được doanh nghiệp đầu tư và nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch là rất lớn. Tuy nhiên, việc quan tâm đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao lại chưa được các cấp các ngành trong tỉnh quan tâm.
Tiềm năng du lịch lớn
Phát huy tốt các lợi thế về địa lý: gần thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; lợi thế về tài nguyên du lịch được thiên nhiên ban tặng với vườn Quốc gia Tam Đảo, khu nghỉ mát Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc, quần thể khu danh thắng Tây Thiên cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, văn hóa phi vật thể... lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh Vĩnh phúc trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc.
Khu danh thắng Tây Thiên - một trong những điểm du lịch tâm linh hút khách tại Vĩnh Phúc |
Lượng khách du lịch đến với tỉnh Vĩnh Phúc luôn có sự tăng trưởng. Năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón trên 1,7 triệu lượt khách, trong đó có 24.680 lượt khách quốc tế. Đến năm 2017, du lịch Vĩnh Phúc đã đón 4,4 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với năm 2011, trong đó có 33.500 lượt khách quốc tế. Tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2011 đến hết năm 2017 là hơn 20 triệu lượt người, trong đó khách nội địa chiếm 99,12%; số ngày lưu trú bình quân khoảng 1,5 ngày. Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 15%, đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu cho ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu, điểm du lịch.
Nhằm tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Vĩnh Phúc luôn chú trọng ưu tiên phát triển du lịch. Hiện tỉnh đang vận động để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu đô thị kết hợp với du lịch sinh thái, vui chơi giải trí với quy mô lớn như: Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường của Tập đoàn FLC; dự án Tam Đảo II của Tập đoàn SunGroup; dự án trường đua ngựa quốc tế của Tập đoàn Gomax I&D Hàn Quốc…Những dự án này khi được triển khai và đưa vào khai thác sẽ có tác động mạnh mẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.
Tăng cường đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Việc đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng mạnh mẽ giúp số lượng, chất lượng cơ sở lưu trú cũng như nhân lực làm việc trong ngành du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Nếu năm 2011, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mới có 172 cơ sở lưu trú với 2.789 phòng thì đến năm 2017, Vĩnh Phúc đã có 340 cơ sở lưu trú với khoảng 5.600 phòng phục vụ du khách; trong đó, có 27 khách sạn 1 sao, 30 khách sạn 2-3 sao và 3 khách sạn 4-5 sao. Đến hết năm 2017, nhân lực ngành du lịch của tỉnh có khoảng 27.750 người, chiếm khoảng 2,4% tổng số lao động toàn tỉnh, trong đó có 7.550 nhân lực trực tiếp và trên 20.000 người lao động gián tiếp. Mặc dù lượng lao động trong lĩnh vực này tăng mỗi năm, tuy nhiên việc đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại tỉnh lại chưa được các cấp các ngành quan tâm.
Hệ thống cáp treo được Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng đưa vào khai thác tại khu danh thắng Tây Thiên |
Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng được thành lập từ năm 2003, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng với hàng trăm dự án có quy mô lớn, chất lượng cao như: Dự án Cáp treo Tây Thiên, Belvedere Resort, Khu đô thị chùa Hà Tiên, Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo…. Với các dự án đầu tư vào Khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Tam Đảo, Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng đã và đang đầu tư một cách bài bản, chi tiết, quy mô và chất lượng theo quy hoạch được duyệt. Các dự án sẽ góp phần thay đổi hình ảnh du lịch Tam Đảo, phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Bà Đặng Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Lạc Hồng - Tây Thiên (thôn Đền Thõng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo) cho biết: "Trong quá trình hoạt động, chúng tôi thấy có một vấn đề là việc lựa chọn và đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch tại Vĩnh Phúc còn hạn chế, nhất là việc tuyển chọn nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng để phát triển các ngành dịch vụ du lịch gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu công việc, công ty phải hợp tác với các trường nghề tại Hà Nội lựa chọn nhân sự về Vĩnh Phúc làm việc, song, do khoảng cách địa lý và chế độ đãi ngộ theo mặt bằng chung của khu vực chưa cao nên số lượng nhân lực có trình độ cao, kỹ năng mềm thuần thục về đây làm việc còn rất ít.”
Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là bài toán quan trọng trong phát triển du lịch của Vĩnh Phúc |
“Để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, trong thời gian tới, tôi mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch hiện nay”, bà Trang chia sẻ.