Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo về tình hình tiền lương, thưởng Tết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023. Theo đó, ngày 28/11/2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Công văn hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện một số báo cáo định kỳ về lao động; tình hình tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024.
Kết quả, có 246 doanh nghiệp sử dụng 82.909 lao động gửi báo cáo tình hình tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024. Trong đó, Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, kể cả doanh nghiệp do trung ương quản lý đóng trên địa bàn gồm 9 doanh nghiệp sử dụng 1.723 lao động.
Có 246 doanh nghiệp sử dụng 82.909 lao động gửi báo cáo tình hình tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024 |
Doanh nghiệp có vốn góp, cổ phần chi phối của nhà nước (kể cả doanh nghiệp do trung ương quản lý đóng trên địa bàn) là 4 doanh nghiệp, sử dụng 667 lao động. Doanh nghiệp dân doanh với 84 doanh nghiệp sử dụng 11.977 lao động.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 149 doanh nghiệp, trong đó 122 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 27 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, sử dụng 68.531 lao động.
Về tình hình tiền lương, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền lương thực trả bình quân năm 2023 của các doanh nghiệp có báo cáo là 9,345 triệu đồng/người/ tháng. Trong đó, Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 8,473 triệu đồng/người/ tháng; doanh nghiệp có vốn góp, cổ phần chi phối của nhà nước là 8,354 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 8,058 triệu đồng/người/tháng.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 11,564 triệu đồng/người/tháng. Mức lương thực trả cao nhất năm 2023 trong các loại hình doanh nghiệp là 376,283 triệu đồng/người/tháng.
Về dự kiến thưởng Tết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc cho biết, Tết Dương lịch dự kiến có 170 doanh nghiệp sử dụng 46.234 lao động báo cáo dự kiến thưởng Tết Dương lịch cho người lao động. Trong đó, mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng là 1,582 triệu đồng người.
Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 2,660 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn góp, cổ phần chi phối của nhà nước là 1,259 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 1,137 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,650 triệu đồng/người.
Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 376,283 triệu đồng/người. Đây là mức thưởng của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngoài khu công nghiệp.
Về dự kiến thưởng Tết Âm lịch, có 220 doanh nghiệp sử dụng 75.034 lao động báo cáo đã có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động. Mức thưởng Tết Âm lịch bình quân là 6,442 triệu đồng/người. Trong đó, Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 6,962 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn góp, cổ phần chi phối của nhà nước là 4,064 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 7,257 triệu đồng/người và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 6,558 triệu đồng/người.
Mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 400 triệu đồng/người. Cao hơn mức thưởng Tết Âm lịch của doanh nghiệp cao nhất trong năm ngoái với 260 triệu đồng.