Tăng trưởng GRDP đứng thứ 9 cả nước
Thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết: Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng gặp nhiều khó khăn, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành, triển khai đồng bộ các chỉ đạo, kết luận của trung ương trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế; tập trung cao độ, quyết liệt cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
![]() |
Tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 đứng thứ 9 cả nước |
Với nỗ lực đó, 18/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được địa phương đặt ra trong năm 2021 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt và 6 chỉ tiêu đạt, chỉ duy nhất 1 chỉ tiêu chưa đạt là mục tiêu tăng trưởng GRDP.
Cụ thể, theo ông Lê Duy Thành, Hội đồng Nhân dân tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 khoảng 8,5-9% nhằm áp sát mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Kết quả 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 14,21%, đứng thứ 3 cả nước (sau Hòa Bình và Ninh Thuận) và đứng thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên cả nước, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn, nên tăng trưởng GDRP cả năm của tỉnh chỉ đạt 8,02%, thấp hơn mục tiêu đề ra là từ 8,5-9%. Song với mức tăng trưởng này, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn xếp thứ 9 của cả nước về tốc độ tăng trưởng, và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,58% của GDP cả nước.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% nghàn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 triệu đồng/người, tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trong khu vực nông nghiệp. Cụ thể, năm 2021, ước tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 63,74%; ngành dịch vụ chiếm 28,43% và ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 7,83% trong cơ cấu GRDP theo giá hiên hành.
![]() |
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp |
Thực hiện bằng được “mục tiêu kép”
Nhằm thực hiện bằng được “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiến tới đạt mức tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP theo giá so sánh năm 2010 tăng từ 8,0-9,0%; tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27,3 nghìn tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 450 triệu USD và 10.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI); giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 16-17 nghìn lao động…
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả với trọng tâm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, lấy nhân dân làm trung tâm của thành quả phát triển. Cùng với đó, tập trung vào các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, như: Thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, kiên định mục tiêu kép, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Hoàn thành quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, rà soát, điều chỉnh quy hoạch có liên quan phù hợp với quy hoạch tỉnh, rà soát hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp tục chỉnh trang đô thị. Đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, tập trung nguồn lực và giải ngân vốn đầu tư công gắn với các dự án, công trình hạ tầng trọng điểm, thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành; Cầu Vĩnh Phú; Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; Trung tâm hội chợ triển lãm… tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Điều hành ngân sách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, trốn thuế, chống gian lận thương mại…
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho giai đoạn 2021-2025. Kiên quyết tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, chính sách được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; xử lý các tồn tại, vướng mắc trong từng lĩnh vực, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi doanh nghiệp trong 1 số ngành, lĩnh vực bằng các giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng.
Một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Vĩnh Phúc trong năm 2022 là, triển khai nhất quán 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, môi trường. Trong đó, tập trung vào an sinh xã hội, phát triển môi trường sống, môi trường học tập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân; xây dựng con người Vĩnh Phúc bản lĩnh, phong cách và kiến thức. |