Tạo động lực bứt phá cho doanh nghiệp
Năm 2023, trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Thông tin từ UBND tỉnh, tính đến giữa tháng 9/2023, Vĩnh Phúc đã có 635 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 106 doanh nghiệp, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.110 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 13,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn khiến cho số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên.
Công ty TNHH Youngbag Micromotor Việt Nam (Khu Công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) |
Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực;… tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo động lực bứt phá trong thời gian tới.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao dự toán ngân sách nhà nước cho các cấp ngân sách, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu; chỉ đạo cơ quan thuế kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.
Trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, tỉnh chủ trương cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đồng thời, ngành ngân hàng tập trung triển khai hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉnh luôn duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để nhanh chóng nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Lĩnh vực thu hút đầu tư là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2023, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Do đó, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này.
Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài |
Trong thời gian qua, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm rút gọn thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, xây dựng quy trình về theo dõi, giải quyết và phản hồi vướng mắc của nhà đầu tư; đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.
Tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, chủ động tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Địa phương cũng ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù, phát triển các khu công nghiệp theo các lĩnh vực thu hút đầu tư…
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, trong giai đoạn tới, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; trong đó, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là sản xuất thiết bị điện tử, bán dẫn, ô tô, xe máy điện. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các dự án thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao, các dự án du lịch, khách sạn; ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành; các dự án xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án; đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng khu công nghệp thực hiện bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong khu công nghiệp theo đúng quy hoạch được duyệt.