Kinh doanh thuốc lá lậu: Vẫn diễn biến phức tạp |
Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long, trong năm qua, đơn vị này đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cụ thể, về hoạt động thương mại điện tử, đã xử lý 9 vụ vi phạm không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, buôn bán hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử phạt hành chính số tiền 213.010.000 đồng, tịch thu tang vật trị giá 168.810.000 đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 48.745.000 đồng.
Đối với mặt hàng thuốc lá, đơn vị đã xử lý 76 vụ vi phạm về các nội dung: Không có giấy phép kinh doanh thuốc lá, giấy phép kinh doanh thuốc lá hết hiệu lực, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Xử phạt hành chính số tiền 293.750.000 đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm là 4.699 bao thuốc lá nhập lậu. Chuyển hồ sơ sang Công an thị xã Bình Minh xử lý 01 vụ buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, tang vật là 1.520 bao thuốc lá các loại; chuyển hồ sơ sang Công an thành phố Vĩnh Long xử lý 01 vụ vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, tang vật là 14.500 bao thuốc lá các loại và 01 xe ô tô tải.
Với mặt hàng xăng dầu, đã xử lý 10 vụ vi phạm về các nội dung: Sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu không được đào tạo huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ môi trường, ngừng bán hàng không xin phép với cơ quan có thẩm quyền, sử dụng phương tiện đo có tem kiểm định hết hiệu lực, không ghi thời gian bán hàng theo quy định. Xử phạt phạt hành chính số tiền 179.500.000 đồng.
Ở lĩnh vực kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng (LPG), đã xử lý 08 vụ vi phạm về các nội dung: Lưu trữ, thu gom chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký; sử dụng vỏ chai LPG của thương nhân khác để kinh doanh, trao đổi khi chưa được phép của chủ sở hữu…
Với mặt hàng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), đã xử lý 58 vụ vi phạm về các nội dung: hàng hóa nhập lậu; hàng hóa xâm phạm quyền nhãn hiệu, hàng giả về giá trị sử dụng; hàng kém chất lượng; vi phạm về Giấy chứng nhận đủ điều kiện / Giấy phép sản xuất phân bón... Xử phạt phạt hành chính số tiền trên 1,6 tỷ đồng và buộc tiêu hủy hoặc khắc phục nhãn, tái chế, chuyển mục đích sử dụng đối với hàng hóa vi phạm trị giá gần 2 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng thực phẩm, xử lý 20 vụ vi phạm sản phẩm thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa; hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; hàng hóa vi phạm nhãn hàng hóa; không niêm yết giá hàng hóa.