Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội phát biểu tại buổi lễ |
Di sản Văn hóa từ lâu có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Để phát huy vai trò của di sản văn hóa, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Đây là dịp để mọi người cùng nhau tôn vinh những giá trị di sản văn hóa Việt Nam, cổ vũ, bồi đắp thêm tình yêu, ý thức và trách nhiệm đối với quê hương đất nước.
Xứ Nghệ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cáchmạng. Theo dòng chảy của thời gian, người dân nơi đây đã sáng tạo và lưu giữđược một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều thể loại đặc sắc,trong đó có Dân ca Ví, Giặm. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nghệ.
Toàn cảnh buổi lễ |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội – cho biết: “Yêu dân ca ví, giặm là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương, đất nước. Dân ca ví, giặm ngày càng được lan tỏa bởi mạch nguồn trong trẻo và chính mạch nguồn này đã tắm mát cho tâm hồn những người Nghệ xa quê. Giữ gìn và phát huy những làn điệu dân ca ví, giặm cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân xứ Nghệ, của dân tộc Việt Nam... Chương trình kỷ niệm 14 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và 6 năm UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ là nơi hội tụ những giọng ca ngọt ngào, những tâm hồn yêu dân ca ví, giặm, yêu xứ Nghệ thân thương…”.
Đại diện Ban Lãnh đạo đồng hương 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trao hoa cho Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà nội và các nghệ sỹ |
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Doãn Hợp đánh giá cao sự ra đời và nhanh chóng khẳng định được vị thế quan trọng hơn 7 năm qua của CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội. Những buổi biểu diễn dân ca ví, giặm nhân các ngày lễ, tết, hay những buổi sinh hoạt thường xuyên của CLB vào tối thứ 7 hàng tuần, đặc biệt là các sự kiện giao lưu dân ca ví, giặm 3 miền Bắc - Trung - Nam đã thực sự ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Ông Lê Doãn Hợp bày tỏ mong muốn dân ca ví, giặm sẽ được đưa vào nhà trường nhiều hơn nữa để các thế hệ trẻ có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Nhiều nghệ sỹ tham gia biểu diễn tại buổi lễ |
Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Cảnh Nhạc - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Phó chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội - cũng nhấn mạnh: Ở đâu có người xứ Nghệ là ở đó có dân ca ví, giặm; ở đâu có dân ca ví, giặm là ở đó có văn hóa Nghệ Tĩnh… Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi văn hóa xứ Nghệ, hồn cốt của văn hóa xứ Nghệ, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ngày càng được lan tỏa. Sự lan tỏa đặc biệt này là đóng góp lớn lao của biết bao nhiêu người…
Bà Nguyễn Thị Thành - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội - vui mừng chia sẻ: Gần 7 năm hoạt động, CLB ngày càng thu hút nhiều hội viên tham gia. Cùng chung tình yêu đối với những làn điệu dân ca, đối với xứ Nghệ yêu dấu, các thành viên đã say sưa sáng tạo, biểu diễn và mang nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian tỏa sáng trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, cũng như người dân trên mọi miền của Tổ quốc. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 nhưng CLB vẫn rất cố gắng duy trì hoạt động để mang quốc hồn của văn hóa xứ Nghệ đến với nhiều người, đặc biệt trong những năm qua, Câu lạc bộ đã có những buổi biểu diễn đã thu hút hàng nghìn người tham dự”.
Ra đời vào dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/2014), CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội đã ghi được nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Chương trình kỷ niệm 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và 6 năm UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức lần này với mong muốn các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước cùng nhau nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị của những làn điệu dân ca ví, giặm. Đây thực sự là mạch nguồn thanh trong, ấm nồng hơi thở cuộc sống để nuôi dưỡng và nâng cánh cho mỗi tâm hồn, tạo thêm niềm tin yêu và động lực để mỗi người tự hào về nguồn cội, tích cực góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. |