Đặt chất lượng lên hàng đầu
Trực thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn (VinaFor Sài Gòn) chính thức cổ phần hóa từ năm 2006. Từ sau cột mốc quan trọng này, công ty liên tục có những đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu, góp phần khẳng định vị thế ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.
Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn góp phần khẳng định vị thế ngành gỗ Việt Nam |
VinaFor Sài Gòn đã tạo ra hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, được các thị trường nhập khẩu như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, New Zealand… ưa chuộng. Hiện, VinaFor Sài Gòn chủ yếu tập trung vào mặt hàng chủ lực là bàn, ghế ngoài trời. Các sản phẩm của công ty đã chinh phục khách hàng quốc tế, được nhiều đối tác nước ngoài tin tưởng nhờ chất lượng bảo đảm, mẫu mã phong phú và giá cả hợp lý.
Chia sẻ về tình hình hoạt động, ông Tô Ngọc Ngời – Tổng Giám đốc VinaFor Sài Gòn - cho biết, mặc dù những năm trước đây, VinaFor Sài Gòn gặp không ít khó khăn trong việc ổn định, phát triển thị trường, nhưng đơn vị luôn chủ động hoạch định cho mình hướng đi đúng đắn, giữ vững thị phần xuất khẩu, nhận được nhiều ủng hộ của người tiêu dùng trên thế giới. Kết quả 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của VinaFor Sài Gòn đạt 221 tỷ đồng; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 9 triệu USD.
Để đạt được những kết quả đó, doanh nghiệp đã trải qua quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện chinh phục mục tiêu trình độ quản lý hiệu quả, hệ thống máy móc, trang thiết bị đồng bộ cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề. “Con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp, bởi chế biến gỗ có rất nhiều chi tiết, trong một sản phẩm cấu thành chỉ cần có một chi tiết lỗi, sản phẩm đó bị hỏng. Do vậy, đòi hỏi người quản lý phải cực kỳ sâu sát, bám dây chuyền sản xuất để kiểm soát từng sản phẩm; đội ngũ công nhân phải có ý thức bảo vệ sản phẩm làm ra” - ông Tô Ngọc Ngời nói.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao và chi phí người lao động ngày càng tăng, các doanh nghiệp sản xuất phải chủ động nâng tầm máy móc cũng như nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng yêu cầu. Nhận thức được điều này, VinaFor Sài Gòn liên tục đổi mới về công nghệ chế biến gỗ, đầu tư máy móc hiện đại, bảo đảm các hoạt động mang tính tiết kiệm, từ chi phí nhân công đến thời gian sản xuất, tăng năng suất, giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh.
Lễ ký kết bản Thỏa thuận làm đại lý phân phối của VinaFor Sài Gòn với Công ty Sequal Hodings Ltd |
Tận dụng lợi thế từ hội nhập
Hiện nay, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam, kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành một trong những công xưởng chế biến gỗ hàng đầu thế giới, nhất là khi các quốc gia đối tác đều là những thị trường có sức tiêu thụ lớn. Để tận dụng được những cơ hội cũng như giải quyết thách thức khi tham gia vào “sân chơi” hội nhập, doanh nghiệp trong ngành gỗ cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển mạnh và chắc; trong đó, yếu tố cốt lõi là đầu tư công nghệ chế biến gỗ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã; đồng thời xây dựng và củng cố thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu gỗ Việt Nam nói chung.
Ông Tô Ngọc Ngời cho biết, doanh nghiệp xác định rõ, hội nhập sẽ tạo tiền đề vững chắc cho VinaFor Sài Gòn phát triển, tăng kim ngạch, lợi nhuận. Từ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào đàm phán, doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động sản xuất, đẩy mạnh công tác marketing vào những thị trường lớn trong khối hợp tác với quyết tâm sẽ thâm nhập và chinh phục thành công các thị trường tiềm năng này.
Sản phẩm bàn, ghế ngoài trời của VinaFor Sài Gòn |
Bên cạnh những lợi thế lớn, doanh nghiệp ngành gỗ như VinaFor Sài Gòn cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Một trong số đó là vấn đề các nhà máy chế biến gỗ đòi hỏi diện tích lớn, trong khi giá đất phục vụ sản xuất hiện nay khá cao, dẫn đến chi phí mở rộng, xây dựng mới nhà xưởng gặp khó khăn vì đầu tư lớn, chi phí tài chính cao… Theo ông Tô Ngọc Ngời, khó khăn nhất của ngành chế biến gỗ hiện nay là thủ tục cấp phép xây dựng ở nước ta còn phức tạp, nhiều nhà xưởng đã, đang phục vụ sản xuất hồ sơ chưa hoàn thiện. Để tháo gỡ vướng mắc này, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo các địa phương có chính sách giúp các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý những nhà xưởng xây dựng đúng quy hoạch và cấp giấy tờ hoàn công để doanh nghiệp chế biến gỗ đáp ứng các tiêu chí mà Việt Nam đã ký với Châu Âu theo Hiệp định VPA/FLEGT.
Cuối tháng 10 vừa qua, VinaFor Sài Gòn đã ký bản Thỏa thuận làm đại lý phân phối với Công ty Sequal Holdings Ltd (New Zealand). Thông qua thỏa thuận này, Công ty Sequal Holdings Ltd sẽ cung cấp gỗ thông Radiata cho nhà máy trong hệ thống của VinaFor và cung ứng cho các nhà máy khác tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam theo từng yêu cầu cụ thể, giúp giảm thiểu hao hụt và chi phí lưu kho. Sự hợp tác này đã kết hợp thành công loại gỗ thông chất lượng cao của New Zealand cùng tay nghề chế tác của Việt Nam, tạo ra những sản phẩm nội thất mang tính bền vững và chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt hơn.
Nền tảng của thỏa thuận là liên tục thay đổi để đáp ứng yêu cầu của khách hàng bằng cách tiếp nhận thách thức, thay đổi mô hình cung cấp và mô hình khách hàng truyền thống. Qua đó, hai đối tác cùng nhau phối hợp, đáp ứng mục tiêu xuất khẩu của ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam trong những năm tới.
Theo mục tiêu Chính phủ đề ra, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt trên 20 tỷ USD. Dư địa phát triển của ngành gỗ còn rất lớn; các đối tác quốc tế cũng khẳng định, ngành chế biến gỗ rất phù hợp với tố chất người Việt Nam bởi sự khéo tay, chịu khó và sáng tạo. Để tận dụng những cơ hội hợp tác có lợi, VinaFor Sài Gòn luôn chú trọng đầu tư, đổi mới trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đặt ra.