Kết thúc năm 2021, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt hơn 963.000 tỷ đồng, tăng gần 15%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, nợ nhóm 2 chiếm 0,34%, tỷ lệ nợ xấu 0,63% và được trích lập đủ theo Thông tư 03. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Chỉ số ROAA và ROAE tăng cao so với 2020, đạt mức 1,6% và 21%.
Ngân hàng đã nộp ngân sách Nhà nước bao gồm thuế phí, cổ tức gần 11.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt kế hoạch cổ đông và Ngân hàng Nhà nước giao trong năm 2021. Thu nhập phí dịch vụ và tài trợ thương mại tăng 12% so với năm 2020. Doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 19,2% so với năm 2020. Doanh số mua bán ngoại tệ tăng 13,2% so với năm 2020.
Vietcombank tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch Covid-19 thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm phí và giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu.Tổng dư nợ được hỗ trợ miễn giảm lãi suất cho vay tại thời điểm 31.12.2021 đạt hơn 680.000 tỉ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất năm 2021 đạt xấp xỉ 7.100 tỉ đồng (tăng hơn 2 lần so với hỗ trợ trong năm 2020). Tổng dư nợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 10.540 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo Vietcombank, năm 2021 đã trích 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, gấp hai lần quy mô hỗ trợ năm 2020. Quy mô dư nợ cho vay bị ảnh hưởng được giữ nguyên nhóm là 10.537 tỷ đồng (nợ gốc hơn 9.000 tỷ đồng). Huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng tăng 9,5%, dư nợ tín dụng tăng 14,99% so với cuối 2020. Tỷ lệ nợ xấu ở 0,63%. Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 424%, tức mỗi đồng nợ xấu nội bảng thì ngân hàng trích lập dự phòng hơn 4 đồng. Tỷ lệ này đang đạt cao nhất trong ngành ngân hàng.
Vietcombank đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch Covid-19 |
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế đặc thù về tăng trưởng tín dụng cho nhóm ngân hàng có vốn nhà nước để đảm bảo vai trò dẵn dắt thị trường cũng như tham gia vào cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.
Vietcombank cũng đề xuất được giữ lại lợi nhuận để chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong bối cảnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức thấp, kìm hãm tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, nhà băng này đề xuất có lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức 35% so với mức 30% như hiện nay.
Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8% so với năm 2021, huy động vốn thị trường 1 sẽ tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tín dụng tăng 12% so với năm 2021, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Lợi nhuận trước thuế sẽ tăng tối thiểu 12% so với năm 2021.