VNeID - một ứng dụng với nhiều tiện ích, được người dân hoàn toàn hưởng ứng đang bị Việt Tân xuyên tạc, gán ghép hết sức lố bịch.
Trong bối cảnh mỗi người dân thường có nhiều tài khoản dịch vụ công được cấp bởi các bộ, ngành, địa phương khác nhau, gây ra bất tiện trong quá trình quản lý thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
VNeID là ứng dụng được tích hợp cùng các tiện ích của thẻ CCCD điện tử; bảo đảm chính xác, tiện lợi; giúp thông tin của công dân được bảo mật và mang lại nhiều lợi ích. Người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 thành công có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến bao gồm thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…
Các loại giấy tờ đã đăng ký như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… sẽ được tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng lừa đảo, gọi điện thoại rồi dùng ứng dụng giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cập nhật thông tin cá nhân trên tài khoản định danh điện tử. Sau khi người dân cài đặt, ứng dụng VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao. Từ đó, các đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân. Tiếp đó, bọn chúng thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng vấn đề này, trang Facebook Việt Tân đã đánh bùn sang ao, dựng nên câu chuyện lố và đăng trên trang facebook của tổ chức này với tiêu đề “dân bị lừa cập nhật VNEID, Công an lộ thông tin cho tội phạm?”…
Đưa ra luận điệu xuyên tạc, lố bịch trên, tổ chức khủng bố Việt Tân đã cố tình lờ đi việc lực lượng Công an thường xuyên đưa ra các cảnh báo, đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền giúp người dân nhận biết các đối tượng lừa đảo.
Cụ thể, thời gian qua, Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố liên tục đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo tới người dân bằng nhiều hình thức, như cảnh báo qua cổng thông tin điện tử, qua các cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí… về thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao.
Bộ Công an đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. (Ảnh chụp màn hình) |
Những thông tin hướng dẫn về việc cài đặt ứng dụng VNeID cũng được lực lượng công an đưa ra rất cụ thể để tránh trường hợp người dân bị lừa đảo. Ngay từ đầu năm, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo: Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ. Không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho người khác qua điện thoại. Thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng thông tin điện tử hoặc Fanpage chính thức của Bộ Công an, Công an các địa phương. Trường hợp nghi vấn phải liên hệ Cảnh sát khu vực/Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn… Cổng thông tin điện tử Công an các tỉnh, thành phố cũng đều đưa ra các thông báo như trên.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công an cũng đã chỉ ra thực trạng một số người dân chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ… chính điều này đã khiến kẻ gian lợi dụng. Bộ Công an đã và đang rất quyết liệt xử lý tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân. Thực tế thời gian qua cho thấy, hàng loạt vụ mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý.
Bên cạnh đó, trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Bộ Công an đề xuất phạt đến 500 triệu đồng với hành vi để lộ, mất dữ liệu cá nhân của từ 1-5 triệu công dân Việt Nam…
Việc các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao thường lẩn trốn, cư trú ở nước ngoài là nguyên nhân dẫn đến việc truy bắt, xử lý gặp khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng công an luôn nỗ lực hằng ngày để giúp cho người dân không bị kẻ gian lừa đảo và được sử dụng một ứng dụng tối ưu. Những nỗ lực đó được nhân dân ghi nhận và không gì có thể phủ nhận được.
Đã từ lâu, những luận điệu xuyên tạc của Việt Tân luôn bị dư luận vạch trần, những tiếng nói lạc lõng của tổ chức này không thể làm thay đổi suy nghĩ của người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Và lần này cũng vậy, việc xuyên tạc vai trò của ứng dụng VNeID, vu khống, bôi nhọ lực lượng Công an chỉ như một trò lố và bị dư luận kịch liệt phản đối.