Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon nhân chuyến dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc.- Ảnh: U.N |
ECOSOC là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, được giao trách nhiệm thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội của LHQ, nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo. ECOSOC có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách, và điều phối các nỗ lực quốc tế, tăng cường phối hợp chính sách để thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển.
Việt Nam trở thành thành viên ECOSOC với số phiếu bầu cao thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế; đồng thời là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với LHQ trong việc xây dựng một thế giới tiến bộ và tốt đẹp hơn.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vì hoà bình, phát triển và tiến bộ xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (2008-2009) và đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016).
Trong 3 năm tới, với tư cách thành viên ECOSOC, Việt Nam sẽ trực tiếp đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự đến năm 2030 về Phát triển Bền vững (vừa được Lãnh đạo cấp cao các nước thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2015), với những ưu tiên lớn như xoá đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, bảo vệ môi trường..., cũng như góp phần đổi mới, nâng cao hiệu hoạt động của hệ thống phát triển của LHQ để thích ứng được với những thay đổi nhanh chóng trên thế giới hiện nay và đáp ứng trông đợi của các nước thành viên LHQ.