Báo cáo này cho biết, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ và Trung Quốc về chính sách FDI. Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư FDI nổi bật là nhờ các yếu tố: chính sách khuyến khích doanh nghiệp quốc tế thành lập các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao, lao động giá rẻ và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết. Việt Nam cũng đứng trên Ấn Độ về khả năng kiểm soát ngoại thương và hối đoán. Ngay cả đối với thị trường lao động, Việt Nam cũng đang xếp trên Ấn Độ. "Thị trường lao động là cung và cầu về lao động. Ấn Độ, quốc gia có 1,38 tỷ dân đã tụt lại sau Việt Nam, đất nước có 97,34 triệu người" - báo cáo này nhận xét.
Ấn Độ có điểm số thấp đáng ngạc nhiên về chính sách FDI trong số 14 quốc gia được EIU khảo sát. Ngoại trừ Indonesia và Bangladesh, Ấn Độ xếp sau tất cả quốc gia khác về FDI và thị trường lao động. Cả Ấn Độ và Indonesia đều đang nỗ lực thực hiện cải cách luật lao động. Trong khi đó, Bangladesh đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do và ưu đãi.
Trong khi đó, EIU đánh giá cao triển vọng của Việt Nam khi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp các thỏa thuận có lợi đối với các doanh nghiệp quốc tế với nhiều khoản ưu đãi đầu tư. Mặc dù việc thiếu hụt lao động chuyên môn hóa cao là một bất lợi của Việt Nam nhưng quốc gia này lại có lợi thế về nhân công giá rẻ trong ngành sản xuất.
"Việc Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do cũng là một lợi thế giúp giảm chi phí xuất khẩu" - báo cáo này phân tích.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành da giày. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, khoảng 40% hàng da giày xuất khẩu sang EU của Việt Nam vốn phải chịu mức thuế 30% nay đã được miễn thuế.
Theo Ruchir Sharma, chiến lược gia về các thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, mức FDI trên GDP hơn 6% của Việt Nam là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia mới nổi trên thế giới. Mặt khác, năm 2013, khi giá nhân công tại Trung Quốc bắt đầu tăng cao dẫn đến sự chuyển dịch nguồn vốn FDI sang các quốc gia châu Á khác và Việt Nam là một trong những lựa chọn ấy. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gần đây, Việt Nam lại càng được hưởng lợi và đang trên đường để trở thành trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Trong năm 2020, dù đối mặt với đại dịch, Việt Nam cũng đã thu hút 28,5 tỷ USD vốn FDI, tương đương 75% so với cùng kỳ năm 2019.