Thứ hạng này cũng đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và vươn đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (gọi tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ triển khai. Đây là một bộ công cụ đo lường hệ thống đổi mới sáng tạo ở mức quốc gia.
Lễ công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 |
Năm 2019, việc tính toán chỉ số GII có thay đổi về phương pháp, cụ thể là thay đổi về chỉ số, nguồn dữ liệu và phương pháp tính toán chỉ số. GII năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số, được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường, môi trường kinh doanh; 2 trụ cột đầu ra là sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Theo báo cáo vừa được tổ chức WIPO công bố, Việt Nam có sự tiến bộ ở cả nhóm chỉ số đầu vào (tăng 2 bậc so với năm 2018) và đầu ra (tăng 4 bậc so với năm 2018), cũng như có điểm số cao trong cả 7 trụ cột, đều cao hơn mức trung bình.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Phạm Công Tạc - phát biểu tại Lễ công bố GII 2019 |
Kết quả chỉ số GII năm 2019 là minh chứng quan trọng khẳng định hiệu quả chỉ đạo điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao, hấp thụ và phát triển công nghệ…
Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số GII một cách bền vững, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.