Từ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Cảnh báo mất an toàn tại các chung cư, tập thể cũ Khai thác tiềm năng hợp tác Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ |
Trong khuôn khổ các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56), ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly; Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kì Hakan Fidan; Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea James Marape.
Đề nghị các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kì Hakan Fidan, chúc mừng tân Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng Bộ trưởng Fidan sẽ thành công trên cương vị mới, đóng góp vào phát triển quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ.
Để chào mừng 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai Bộ trưởng nhất trí sẽ thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác và tăng cường trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kì Hakan Fidan |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực hai bên có thể bổ trợ lẫn nhau.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Fidan khẳng định việc Việt Nam cử lực lượng tới Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cứu hộ trong trận động đất tháng 2/2023 là biểu hiện sinh động cho tình hữu nghị giữa hai nước. Hai bên cùng coi đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh quan hệ trong thời gian tới. Hai Bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Việt Nam là một trong ba đối tác ưu tiên hàng đầu của Canada tại khu vực
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly, hai Bộ trưởng đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada những năm qua.
Hai Bộ trưởng nhất trí, sau 50 năm, hợp tác hai nước đang ở thời điểm bước ngoặt, cần có những định hướng mới phù hợp với tình hình quốc tế, khu vực và tầm mức quan hệ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính phủ Canada đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; nhất trí việc triển khai Chiến lược sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Canada với ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có việc bảo đảm thực thi UNCLOS 1982.
Trong khuôn khổ AMM-56, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly |
Bộ trưởng Melanie Joly khẳng định Việt Nam là một trong ba đối tác ưu tiên hàng đầu của Canada tại khu vực; nhất trí tới đây hai bên sẽ thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, khai thác hiệu quả hơn nữa các tiềm năng kinh tế - thương mại của mỗi bên, thông qua triển khai Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch, hợp tác đại dương…
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Canada tiếp tục tạo thuận lợi và cấp thêm học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm ăn tại Canada ổn định cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển của Canada cũng như tình hữu nghị Việt Nam-Canada.
Papua New Guinea hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư
Hội kiến với Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea James Marape, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, trong đó có Papua New Guinea. Bộ trưởng đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, thủy hải sản…
Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea cho biết Papua New Guinea hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Papua New Guinea trong các lĩnh vực như thuỷ sản, nông nghiệp, dầu khí. Tới đây, Papua New Guinea sẽ cử các đoàn quan chức và doanh nghiệp tới Việt Nam để tìm hiểu, trao đổi các cơ hội hợp tác.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến với Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea James Marape |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất hai bên nghiên cứu thiết lập các cơ chế hợp tác phù hợp, triển khai Bản Ghi nhớ về hợp tác thuỷ sản, trong đó có thành lập Uỷ ban kỹ thuật chung về hợp tác nghề cá; xúc tiến đàm phán, ký kết một số văn kiện trong các lĩnh vực chủ chốt khác để làm cơ sở thúc đẩy hợp tác.
Đánh giá cao đóng góp của Papua New Guinea với tư cách là Quan sát viên đặc biệt của ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cũng như Liên hợp quốc và APEC.