Sau COP26: Các dấu hiệu lạc quan và bỏ ngỏ Đầu năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres mô tả biến đổi khí hậu là “vấn đề quan trọng của thời đại ... |
Cam kết đột phá của Việt Nam
Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng tại COP26 Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng, triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cam kết này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đóng góp vào nỗ lực chung, nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris (về biến đổi khí hậu) được 195 quốc gia ký kết năm 2015.
Cũng tại hội nghị, trong bản cam kết của mình, hay còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết định mới nhất, Việt Nam cũng đã cam kết giảm 9% lượng phát thải bằng nội lực và 27% nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch Mạng lưới kết nối Việt Nam - Anh, ông Paul Smith, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Cam kết này hài hòa, phù hợp với bối cảnh Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, cam kết và quyết tâm hành động của Việt Nam tại hội nghị đã được lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và khu vực đánh giá cao, tin tưởng quyết tâm hành động của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới, to lớn hơn trong các lĩnh vực kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tận dụng cơ hội để phát triển
Được biết, bên cạnh các ngân hàng phát triển đa phương, ngân hàng quốc tế như Standard Chartered cũng có cam kết dành 8 tỷ USD cho phát triển bền vững, trong khi những tập đoàn lớn cũng sẵn sàng và mong muốn tham gia vào các dự án năng lượng gió, công nghệ xanh hiện đại như năng lượng hydro tại Việt Nam.
Theo chuyên gia, việc nâng cao cam kết giảm phát thải khí nhà kính sẽ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt. Trước hết, chúng ta có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Cam kết này cũng phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu Covid-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm như nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã thông qua.
Lựa chọn tăng trưởng xanh là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến 2050, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý, với cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng như những ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn trên thế giới về chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng cho mục tiêu tận dụng các cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tín dụng của tổ chức tín dụng, tài chính trên thế giới; tận dụng cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi...
Nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng đã đưa một số sản phẩm vào diện kiểm soát chặt và hạn chế sử dụng. Điều này nằm trong nỗ lực của các quốc gia về thực hiện cam kết chống lại biến đổi khí hậu, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực cho hệ sinh thái và phát triển nền kinh tế xanh. Việc doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững. |