Bộ Y tế thông tin về thuốc tiêm Avastin điều trị ung thư khiến 12 bệnh nhân tại Pakistan bị mù Những dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh ung thư dạ dày, khi nào nên khám tầm soát? |
Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.600 người mới mắc bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này.
Xạ trị điều biến liều để điều trị ung thư đầu mặt cổ tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội |
Nước ta hiện mới chỉ tham gia thử nghiệm lâm sàng ở pha 2, pha 3 bao gồm 40 thử nghiệm. Thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm thử nghiệm lâm sàng pha 1 cho người mắc bệnh ung thư không còn biện pháp nào điều trị.
Bộ Y tế hiện đã phê duyệt tiến hành thử nghiệm pha 1 nhưng lãnh đạo Bệnh viện K cho hay sẽ chuẩn bị kỹ càng về lựa chọn bệnh nhân, đạo đức nghiên cứu cần làm chặt chẽ và cần sự đồng ý của bệnh nhân, người nhà vì rủi ro có thể xảy ra...
PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K - cho biết, số bệnh ung thư ngày càng tăng và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Ung thư đang là gánh nặng ở thời điểm hiện tại và tương lai. Trung bình mỗi năm Bệnh viện K phẫu thuật cho 26.000 ca, xạ trị cho khoảng 17.000 trường hợp, điều trị hóa chất 17.000 - 18.000 trường hợp. Bệnh viện hiện có 6 máy xạ trị, các máy hoạt động 23-24h/ngày, bệnh nhân phải xạ trị cả buổi tối mới hết số lượng. Trong thời gian tới, Bệnh viện K sẽ tăng cường trang thiết bị để phục vụ người bệnh.
Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư được chữa khỏi, nhất là trong chẩn đoán có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; có nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gen, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn.
Với người bệnh ung thư cần điều trị đa mô thức trong đó phẫu thuật là phương pháp mang tính triệt căn lớn nhất. Với hơn 200 bệnh ung thư khác nhau thì 60% có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu chẩn đoán sớm.
Hầu hết các kỹ thuật mới trên thế giới Việt Nam có thể đáp ứng được, như phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật nội soi robot… Trang thiết bị, máy móc cho chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, thế giới có thuốc mới điều trị ung thư nào thì người bệnh Việt Nam đều có.
Tuy nhiên, do giá thuốc còn cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội được sử dụng, trong khi thuốc lại thay đổi thường xuyên. Thêm vào đó, vướng mắc nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay là bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ. Mạng lưới ung thư đã phát triển nhưng chênh lệch về trình độ giữa các tuyến. Bệnh nhân có tâm lý phải lên tuyến trên gây quá tải cho các bệnh viên trung ương.