Đa dạng chính sách
Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) hiện chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng công suất nguồn điện Việt Nam. Bên cạnh đó, trong tính toán của Bộ Công Thương tại Quy hoạch điện 8, phát triển NLTT không là chưa đủ. Bộ Công Thương vẫn có nhà máy nhiệt điện đốt than và có thể đến năm 2040 vẫn vận hành; có các nhà máy nhiệt điện khí vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Cho nên, Bộ Công Thương đã tính toán đến phương án trong khi xây dựng quy hoạch điện 8 là các dự án điện than sẽ chuyển đổi: có những dự án đến thời điểm sẽ đóng cửa; một số dự án sẽ chuyển đổi sang chạy bằng nguồn sinh khối. Tuy nhiên, nguồn sinh khối cũng không có đủ để phục vụ mục tiêu chuyển đổi của tất cả các nhà máy nhiệt điện than.
Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trả lời các câu hỏi tại hội thảo |
Bên cạnh đó, những dự án turbin khí đưa vào vận hành trước năm 2030, sau một thời gian vận hành có thể định hướng chuyển đổi sang sử dụng hydro xanh. Nhưng, đó chưa phải là chính sách mà chỉ là định hướng trong quy hoạch, vì đối với Việt Nam, nguồn điện chạy bằng hydro vẫn tương đối mới. Đồng thời, Việt Nam cũng không có quá nhiều tiềm năng về hydro. Nguồn hydro hiện nay chủ yếu đến từ điện gió ngoài khơi và sẽ có giá đắt hơn nhiều so với điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo khác. Bên cạnh đó, tiềm năng điện gió giai đoạn này khoảng 158GW, và có thể chỉ đủ phục vụ cho thị trường trong nước cả về sản xuất điện và hydro.
Chưa kể, với định hướng các nguồn nhiệt điện chuyển đổi sang hydro nhưng hiện nay công nghệ tuabin có thể đốt hydro lại chưa được kiểm chứng. Cho nên các dự án sẽ xây dựng sắp tới đây cũng không thể yêu cầu nhà đầu tư phải tính đến chuyện 15-20 năm tới nhằm đặt ra điều kiện từ bây giờ. Mặt khác, trong 15-20 năm tới, công nghệ chuyển đổi sang hydro đã chín muồi và các nhà máy nhiệt điện khi chuyển sang hydro sẽ rất tốn kém. Đây là một trong những điều khó khăn của Bộ Công Thương.
Đối với điện gió ngoài khơi, ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện và các cam kết về giảm thải khí nhà kính, Việt Nam đã đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 7.000 MW vào năm 2030. Đến năm 2045 thì cả điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ sẽ phát triển mạnh mẽ và đạt 60.000 MW.
“Để đạt được mục tiêu này và nhằm phát triển mạnh các nguồn điện năng từ NLTT thì phải có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ, có những ưu đãi về đất đai, giá điện… Tuy nhiên, khi các nguồn điện này đã phát triển thì phải có cách thức lựa chọn các nhà đầu tư theo hướng phù hợp hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất mô hình, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu. Đây sẽ là phương thức áp dụng không chỉ cho nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mà còn áp dụng cho tất cả các loại hình NLTT khác trong tương lai” – ông Dũng cho biết.
Chờ đợi các cơ hội từ hợp tác
Cũng chia sẻ về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, bà Nguyễn Phương Mai - Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương - cho biết, chủ đề mà Bộ Công Thương lựa chọn để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong khuôn khổ Ngày Năng lượng Việt Đức là năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, hiệu quả năng lượng.
Bà Nguyễn Phương Mai – Phụ trách hoạt động Hợp tác Quốc tế của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trình bày về kế hoạch hợp tác về Năng lượng Việt Nam và CHLB Đức |
Liên quan đến năng lượng tái tạo, mục tiêu mà Bộ Công Thương hướng tới là tập trung chia sẻ những thông tin về định hướng và kinh nghiệm phát triển của phía Đức. Vì Luật Năng lượng tái tạo của Đức đã đưa ra những mục tiêu rất lớn để phát triển nguồn năng lượng này và trong quá trình phát triển đó, phía Đức sẽ có nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi.
Đặc biệt, trong quá trình tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là hành lang pháp lý để làm sao huy động được tốt nhất nguồn lực từ các cơ quan chỉ đạo, các cơ quan thực hiện, doanh nghiệp, địa phương để cuối cùng, người hưởng lợi chính là người dân. Đây là điều Việt Nam mong muốn nhận được sự chia sẻ từ phía Đức.
Hiện nay, Việt Nam đang xem xét để sửa đổi Luật Điện lực và các nội dung về năng lượng tái tạo sẽ được tích hợp trong Bộ luật này. Bộ Công Thương cũng bày tỏ hy vọng việc Luật Điện lực sẽ sớm được Quốc hội Việt Nam thông qua để sau đó, Việt Nam sẽ có được nhiều hơn các cơ sở pháp lý để xây dựng các chương trình phát triển năng lượng tái tạo.
“Trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Đức, chúng tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm để làm sao luật hóa được, đưa khuôn khổ, định hướng một cách mạnh mẽ và thuyết phục thông qua những quy định để những dự án phát triển năng lượng tái tạo được dồi dào và bền vững hơn” – bà Nguyễn Phương Mai kỳ vọng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương định hướng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, thăm quan thực tế, trao đổi với phía Đức để học hỏi những kinh nghiệm có thể áp dụng vào phía Việt Nam. Đó là những điều Việt Nam hướng đến trọng tâm trong hoạt động lần này.
Đoàn Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo gặp gỡ các đối tác và tham dự hoạt động Ngày Năng lượng Việt Nam - Đức |
Về các hoạt động cụ thể trong năm 2021 và 2022, sự kiện Ngày Năng lượng Việt – Đức đã được kích hoạt. Trong mảng năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương sẽ có 2 lần tổ chức đối thoại sâu sắc hơn các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, làm sao hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo tốt nhất? Công nghệ nào giúp chúng ta có được sự bền vững khi khai thác các nguồn năng lượng thiên nhiên này? Làm sao cung cấp đủ điện, ổn định từ nguồn năng lượng này và dần dần thay thế nguồn năng lượng hóa thạch mà chúng ta ngày càng cạn kiệt và cân nhắc khi khai thác? Việc tích hợp lên lưới cần điều kiện pháp lý và công nghệ gì?
“Chúng tôi sẽ kết hợp với phía Đức tổ chức các phiên đối thoại. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có các chuyến tham quan thực tế tại Đức và muốn mời phía Đức tham gia các chuyến công tác tại Việt Nam dưới góc độ chuyên gia nhằm đưa cho chúng tôi những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm phía Đức để chúng tôi tạo ra được hệ thống lưới truyền tải, tích hợp năng lượng tái tạo hiệu quả nhất. Đây là điều chúng tôi mong muốn được chia sẻ” – bà Mai cho biết.