Dự kiến tháng 7 sẽ có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng về Việt Nam Ca mắc tay chân miệng tăng mạnh: Tăng cường theo dõi, hạn chế thấp nhất tử vong |
Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao
Thông tin tại cuộc họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phố phía Nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vào sáng ngày 23/6, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh - cho biết, bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đã có 5 ca tử vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục có xu hướng tăng cao |
Tuy nhiên con số này dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, số ca nhẹ chưa thống kê hết, vì vậy trên thực tế số ca mắc bệnh này chắc chắn còn cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế.
Đáng nói, không chỉ trẻ em mà có tới 50% người lớn mắc bệnh tay chân miệng nhưng không có triệu chứng, đây chính là nguồn lây quan trọng sang trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Tương tự, với bệnh sốt xuất huyết hiện cũng đang đầu mùa bệnh. Khu vực phía Nam đã ghi nhận có khoảng 25.000 trường hợp mắc, so cùng kỳ giảm 39%, so với 2019 giảm 47%, ca tử vong cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Đồng Tháp, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của tỉnh cũng thông tin: Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng đang diễn tiến phức tạp. Địa phương đã ghi nhận 1.447 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, trong đó có 82 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong. Còn bệnh tay chân miệng, đã có 902 ca, trong đó ca mắc dưới 3 tuổi chiếm 68%, vừa có 1 trường hợp tử vong.
Đồng Nai ghi nhận 1.694 ca mắc tay chân miệng, giảm 56,37% so với cùng kỳ 2022, không ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng tăng mạnh từ tháng 5, mỗi tuần có 200 - 300 ca nhập viện.
Tại các tỉnh phía Bắc, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, hơn 1.200 trẻ mắc bệnh chân tay miệng đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám từ đầu năm đến nay, trong đó có 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số này có 20-30% trẻ mắc tay chân miệng nhiễm chủng virus EV71.
Chủ động phòng chống dịch
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, đã có công ty sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm vắc xin này được cấp phép.
Trước khi vắc xin phòng bệnh này được cấp phép, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023. Địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết một cách chủ động.
Các tỉnh thành tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch; phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch; phân tích được diễn biến dịch bệnh và có biện pháp kịp thời.
Thứ trưởng lưu ý, các tỉnh phải đảm bảo trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị. Hiện tất cả chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên, do đó địa phương chủ động trong dự trù cơ số thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, hóa chất... Đề xuất số lượng cần trong năm, trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp để chủ động phòng chống dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, trong phòng chống dịch bệnh, truyền thông phải đi trước. Truyền thông về kiến thức phòng chống dịch, dấu hiệu phát hiện sớm dịch bệnh tại cộng đồng, trường học để phòng dịch.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra nhận định: Nếu không kiểm soát nghiêm ngặt thì số ca nặng sẽ tăng cao, do đó các Sở Y tế, trung tâm kiểm dịch phải có biện pháp giám sát, đánh giá ổ dịch để kiểm soát, không để dịch lan rộng ở từng điểm.
Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc tay chân miệng: Trẻ sốt, kém ăn, khó chịu, đau họng. Từ 1 - 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét, chủ yếu trên lưỡi, lợi và trong má. Trẻ cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc chỉ có thể bị phát ban hoặc loét miệng. Cho trẻ mắc tay chân miệng nhập viện khi có biểu hiện: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: Ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng. |