Sản xuất thành công thực phẩm giàu glutathione |
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Bao bì giấy được nghiên cứu và sử dụng từ rất lâu và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp bao bì. Hiện nay, bao bì giấy, carton là loại bao bì được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và trong nước, chiếm tới 70% các loại bao bì đang sử dụng. Xã hội ngày càng phát triển thì sự quan tâm về sức khỏe của cộng đồng ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, các sản phẩm bao gói thực phẩm cũng rất được chú trọng, nhất là giấy bao gói thực phẩm.
Buổi họp nghiệm thu Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm dạng khô" |
Tiến sĩ Cao Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và xenluylô, đồng thời là chủ nhiệm dự án - cho biết: Đối với sản phẩm giấy bao gói thực phẩm có rất nhiều ưu điểm như: Nhẹ, chịu nhiệt, sản phẩm đa dạng, rẻ tiền, thích ứng được nhiều sản phẩm thực phẩm, dễ in ấn tạo nên sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn cho sản phẩm và đặc biệt có khả năng tái chế hoặc tự phân hủy trong môi trường.
Tuy nhiên sản phẩm giấy bao bì thực phẩm cũng có nhược điểm là tính chất cơ lý của giấy bị giảm nhanh trong môi trường ẩm nếu không được sản xuất, gia công bởi các quy trình đặc biệt. Để khắc phục nhược điểm trên, trong quá trình gia công người ta thường ghép băng giấy với một số vật liệu khác như: Tráng thêm một lớp parafin, màng chất dẻo (PE), màng nhôm… Mặc dù vậy, phương pháp này vẫn còn nhược điểm như: Khả năng chịu nhiệt kém, giá thành cao, quá trình tái chế gặp khó khăn và chủ yếu áp dụng cho các dây chuyền đóng gói vô khuẩn.
Tiến sĩ Cao Văn Sơn cho rằng: Giấy bao gói thực phẩm nói chung và giấy bao gói trực tiếp thực phẩm khô nói riêng (bao gói các đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn, các loại bánh, các thực phẩm chứa bơ, dầu mỡ…), bên cạnh cần đảm bảo các yêu cầu về độ bền cơ lý, hóa học nó còn phải đảm bảo các tiêu chí về sự an toàn thực phẩm, bảo quản được các vitamin, chất dinh dưỡng của thực phẩm không bị phân hủy dưới các điều kiện môi trường, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống thấm nước cao, có khả năng chống thấm dầu mỡ, hạn chế hoặc kháng khuẩn, có mẫu mã đẹp và khả năng bảo vệ môi trường (có khả năng tái chế hoặc tự phân hủy).
Xuất phát từ những yêu cầu thực tế và ưu điểm của sản phẩm giấy bao gói trực tiếp thực phẩm cũng như công nghệ sản xuất, Viện Công nghiệp giấy và xenluylô bước đầu đề xuất và được giao chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm” năm 2016 và Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm khô” năm 2018. Các đề tài, dự án này đã được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Bộ nghiệm thu và đánh giá cao.
Chưa dừng lại ở đó, với mục tiêu tạo ra sản phẩm mới, thân thiện với môi trường, được sản xuất và thương mại hóa bởi thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu, năm 2019, Viện Công nghiệp giấy và xenluylô và Công ty CP Công nghệ Xen_lu_lo phối hợp đăng ký thực hiện Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm dạng khô”. Dự án nhằm nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ, thiết kế, lắp đặt và vận hành dây chuyền sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm dạng khô công suất 500 tấn/năm cung cấp cho thị trường trong nước.
Làm chủ quy trình công nghệ
Sau quá trình nghiên cứu, đến nay dự án đã đạt được kết quả như: Đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho bao gói trực tiếp thực phẩm khô (đối với 2 dòng sản phẩm: Giấy trắng và giấy nâu) trong phòng thí nghiệm và trên dây chuyền sản xuất công suất 500 tấn/năm; thiết kế, cải tạo, nâng cấp cải tiến dây chuyền sản xuất phù hợp với sản xuất sản phẩm giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm khô công suất 500 tấn/năm.
Đặc biệt, đã tiến hành sản xuất thử nghiệm thành công 300.569 kg sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô với chất lượng ổn định. Đồng thời, từng bước tiếp cận thị trường và đã tiêu thụ được 298.811 kg sản phẩm giấy bao gói thực phẩm, đạt 99,4% so với tổng sản lượng sản xuất tính tới hết tháng 1/2021. Ngoài ra, đã tiến hành đào tạo được 5 cán bộ kỹ thuật và 8 công nhân trực tiếp vận hành hệ thống sản xuất và đánh giá được hiệu quả kinh tế kỹ thuật và môi trường cho dự án sản xuất giấy bao gói dùng cho thực phẩm khô.
Đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, tiến sĩ Cao Văn Sơn chia sẻ: Kết quả nghiên cứu của dự án được kế thừa từ 1 đề tài cấp Bộ Công Thương, 1 dự án sản xuất thử nghiệm và được hiệu chỉnh trên hệ thống thiết bị sản xuất (sau khi được cải tạo, nâng cấp) với quy mô công suất 500 tấn/năm. Trải qua quá trình nghiên cứu nhiều năm, công phu, chất lượng sản phẩm tạo ra từ quá trình nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước hiện nay. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể đầu tư hướng đến dòng sản phẩm này, tăng cường khả năng cạnh tranh và thay thế một phần sản lượng đang phải nhập khẩu hiện nay.
Bên cạnh đó, quy trình công nghệ sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng trong thực phẩm khô không phát sinh tác động đến môi trường so với quá trình sản xuất trước đó của nhà máy, đặc biệt, không phát sinh tiếng ồn so với quy trình sản xuất thông thường. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng nhãn mác, thương hiệu riêng, tìm thị trường mục tiêu, quảng bá thương hiệu…” - tiến sĩ Cao Văn Sơn cho hay.
Kết quả của dự án góp phần tạo sản phẩm giấy bao gói “Made in Vietnam” dùng cho thực phẩm khô. Qua đó, cũng thúc đẩy sự phát triển của Viện Công nghiệp giấy và xenluylô (Bộ Công Thương) trên chặng đường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tăng tính kết nối giữa nghiên cứu và sản xuất thực tế, nâng cao năng lực thực hiện các dự án tương tự. |