Qua con mắt của các nhiếp ảnh gia từ châu Âu, Việt Nam hiện lên ở một quang phổ khác với những gì chúng ta thường thấy. Trong những tác phẩm này, những góc nhìn từ châu Âu của nhiếp ảnh gia người Phần Lan gốc Ba Lan sống tại Hà Nội, Việt Nam - Victoria Siwik đã mang đến cho công chúng một góc nhìn mới lạ.
Victoria Sivik đã đưa người xem đến với sân khấu âm nhạc underground của Hà Nội. Những tác phẩm của cô thường tập trung khắc hoạ con người trong bối cảnh phi thường. Đó là các nghệ sĩ phiêu giữa những khoảnh khắc trên sân khấu, các nhà cách mạng nhạc punk ở Myanmar hay trẻ em ở Hà Giang (Việt Nam).
Nhiếp ảnh gia Victoria Siwik cho biết: “Bản thân tôi bị hấp dẫn bởi tinh thần đam mê của con người và việc chúng ta hoà nhập với môi trường sống như thế nào”. Đó chính là lý do các các phẩm nhiếp ảnh của cô tôn vinh thân phận con người trong những hoàn cảnh khó khăn và độc đáo, dựa nhiều vào các nghiên cứu nhân vật tạo ra bởi môi trường xung quanh họ.
Nói về triển lãm ảnh “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu”, nhiếp ảnh gia Victoria Siwik chia sẻ, đây là triển lãm đầu tiên và cũng là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam. Chủ đề xuyên suốt 7 “góc nhìn” là HaNoi aLIVE. Trong 4 năm ở Việt Nam, Victoria Siwik gần như đã tham gia tất cả các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ underground. Và cô đều ghi lại những “góc nhìn” đó qua những bức ảnh, đặc biệt là nghệ sĩ biểu diễn tại Hà Nội. “Đó là hình ảnh Hà Nội với nhiều khía cạnh đối lập. Hà Nội, một thành phố lịch sử chuyển mình không ngừng theo dòng chảy của thời gian. Các sân khấu nhạc underground, các ban nhạc tự phát và cộng đồng nghệ sĩ biểu diễn hàng tuần phục vụ đám đông đa dạng tổng lớp và độ tuổi. Mặc dù đây chỉ là một trong vô số những mạch ngầm văn hoá tiêu biểu nhưng nó đã tạo nên một Hà Nội đa sắc, phong phú và phức tạp” – nhiếp ảnh gia hào hứng chia sẻ.
Một số tác phẩm của Victoria Siwik được trưng bày tại triển lãm ảnh “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” |
Có thể thấy, những tác phẩm trưng bày tại đây đã được nhiếp ảnh gia người Ba Lan ghi lại những khoảnh khắc ở bản thể thô sơ nhất, con người nhất của các nghệ sĩ, từ đó, thể hiện sự khao khát, mong muốn và độc đáo của từng người, sự thấu hiểu.
Cũng đang kể một câu chuyện lớn hơn về cách Hà Nội đang tạo ra thứ âm nhạc của riêng mình, với cảm hứng đến từ nhiều thể loại truyền thống như punk, prog rock hay thể nghiệm... nhưng là sản phẩm được phát triển bởi chính nội tại riêng biệt của thành phố này.
Nhiếp ảnh gia người Ba Lan giới thiệu, Sirens of Halong, Bloodshed và Monoheart là một trong những ban nhạc được giới thiệu tại triển lãm ảnh “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” lần này. Ngoài miêu tả một mạch ngầm văn hóa ngầm cụ thể, dự án cũng làm bật lên những dạng thức khác nhau của biểu hiện có nhân, khi từng nhân vật được khắc hoạ theo một góc nhìn riêng biệt.
Chia sẻ về những dự án trong tương lai, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Ba Lan mong muốn phát triển những tác phẩm hưởng tới cuộc sống đời thường của con người Việt Nam, tạo ra những góc nhìn mới lạ, độc đáo hơn. Và nhiều hơn nữa, cô cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ những chương trình phát triển văn hoá của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, gần nhất dự án phóng sự về kiến trúc sư, nhà trùng tu di tích người Ba Lan - Kazimiers Kwiatkowski (1944-1997).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Wojciech Gerwel - Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam - cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, các hoạt động văn hoá nghệ thuật tập trung đông người đều bị hạn chế hoặc phải hoãn hoặc huỷ bỏ nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, triển lãm ảnh “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” nằm trong chuỗi chương trình “Photo Hanoi ‘21” do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace khởi xướng cũng vậy.
Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam tặng hoa chúc mừng nhiếp ảnh gia Victoria Siwik |
Qua con mắt của các nhiếp ảnh gia nước ngoài, Việt Nam qua những góc nhìn của các tác giả thật độc đáo. Như tác giả người Pháp tôn vinh nét đặc biệt của kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam, hay nhiếp ảnh gia người Anh cộng tác với nhà thiết kế thời trang địa phương, tạo nên sức sống mới cho nghề dệt thủ công của dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh gia Victoria Sivik lại đưa người xem đến với sân khấu âm nhạc underground của Hà Nội.
“Thật đặc biệt, khi Ba Lan có một nhiếp ảnh gia được trình diễn tác phẩm tại triển lãm này. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy rất tự hào và trở thành động lực để chúng tôi hỗ trợ các nghệ sĩ, phát triển đa dạng hoá các hoạt động văn hoá nghệ thuật không chỉ nhiếp ảnh, nghệ thuật đương đại, dịch thuật văn học để đem những sáng tác, tác phẩm nghệ thuật, văn hoá của Ba Lan tới được với người dân Việt Nam” - ông Wojciech Gerwel chia sẻ.
Trong bối cảnh nhiều sự kiện, hoạt động bị hủy bỏ hoặc tạm dừng để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì chương trình “Photo Hanoi ‘21” do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace khởi xướng với quy mô vừa phải với nhiều triển lãm nhằm kết nối công chúng với những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh diễn ra từ ngày 8/5 đến hết ngày 12/6 là một sự lựa chọn đáng chú ý. “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” là triển lãm nhóm được tổ chức trong khuôn khổ dự án Photo Hanoi ‘21 quy tụ gần 50 tác phẩm của 8 nhiếp ảnh gia đến từ 8 quốc gia châu Âu do bộ phận văn hoá của các quốc gia tại Việt Nam đề cử bao gồm Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Ý và Ba Lan.