Dệt may là mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Pháp
CôngThương - Nhiều năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác. Hai bên hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hiệp quốc, ASEM, ASEAN- EU...
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên sẽ ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược. Sự kiện này sẽ giúp hai nước phát huy tối đa truyền thống hợp tác, các thế mạnh của quan hệ song phương nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược của mỗi nước.
Việt Nam và Pháp đã ký nhiều hiệp định hợp tác nhưng đây là lần đầu tiên một văn bản toàn diện như vậy được ký kết, bao quát tất cả các lĩnh vực hợp tác hiện nay và tiềm năng giữa hai nước, trong đó nổi lên 5 lĩnh vực ưu tiên lớn: Hợp tác chính trị ngoại giao; hợp tác quốc phòng và an ninh; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; hợp tác phát triển; hợp tác văn hóa, giáo dục- đào tạo và khoa học- công nghệ.
Cùng với việc ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược, hai nước cũng sẽ ký hàng loạt văn kiện hợp tác liên chính phủ và thỏa thuận về xúc tiến thương mại, đầu tư...
Bất chấp tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, Pháp vẫn là đối tác thương mại châu Âu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch trao đổi song phương năm 2012 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2011. Tính đến tháng 6/2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,599 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử và nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, điện tử, hóa chất...
Hiệp định Đối tác chiến lược sẽ giúp hai nước phát huy tối đa truyền thống hợp tác, các thế mạnh của quan hệ song phương, nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược của mỗi nước. |
Về đầu tư, đến cuối năm 2012, Pháp là nhà đầu tư châu Âu hàng đầu vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tai trợ quốc tế cho Việt Nam tháng 12/2012, Pháp đã cam kết tài trợ 340 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2013.
Tính đến nay, Pháp đã cho Việt Nam vay ưu đãi 2,2 tỷ euro. Trước đây, các dự án thường có mức vốn trung bình 55 triệu euro/dự án, nay Pháp cam kết mức vốn lớn tới 280 triệu euro/dự án và quan tâm nhiều đến các dự án hạ tầng quy mô lớn, điển hình là một số dự án trọng điểm: Dự án vệ tinh nhỏ VNREDSAT1 (57,8 triệu euro), Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (100 triệu euro), tầu điện ngầm Hà Nội (280 triệu euro)...
Một trong những hoạt động quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khuôn khổ chuyến thăm CH Pháp là cuộc đối thoại với đại diện các tập đoàn kinh tế lớn của Pháp.