“Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” giai đoạn 2 Việt Nam cam kết thực hiện tầm nhìn REDD+ quốc gia Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam |
Chiều ngày 26/6, tại Hà Nội, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2” (FCPF-2).
Dự án được triển khai từ tháng 11/2016 - 30/6/2020 tại Hà Nội và 6 tỉnh Bắc Trung bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với tổng kinh phí 5,696 triệu USD, trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại 5,0 triệu USD, đến từ quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp (FCPF) ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB).
Việt Nam phấn đấu tiến đến thị trường các bon đầy đủ |
Sau 3 năm thực hiện, qua các báo cáo tham luận có thể thấy về cơ bản dự án đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, các nhiệm vụ ở cả 4 hợp phần đều được triển khai đồng bộ, tỷ lệ giải ngân đều ở mức 95%. Đặc biệt dự án đã hỗ trợ cho Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT xây dựng 6 nghị định và thông tư, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị quan trọng do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ,... về các chủ trương, chính sách bảo vệ, phát triển rừng và chế biến lâm sản, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu sảm phẩm gỗ và lâm sản; đề xuất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ, qua đó huy động thêm 51,5 triệu USD cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho khu vực này.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, trong thời gian tương đối ngắn, dự án đặt ra mục tiêu cao là hỗ trợ cho Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước sang giai đoạn thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào kết quả. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại tại đây mà phấn đấu tiến đến thị trường các bon đầy đủ.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Việt Nam tự huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động của chương trình với mục tiêu giảm phát thải khoảng 25 triệu tấn CO2e, trong đó Quỹ đối tác các bon trong lâm nghiệp đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2e thông qua thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) với giá dự kiến 5 USD/tấn CO2e, tương đương 51,5 triệu USD. Việt Nam sẽ nhận chi trả này sau khi kết quả giảm phát thải được thẩm định rõ ràng và minh bạch bởi một bên thẩm định độc lập. Phần còn lại, Việt Nam có quyền bán cho các đối tác khác.
Trên cơ sở Thỏa thuận chi trả giảm phát thải ký kết giữa Bộ NN&PTNT và WB, sẽ có ba kỳ báo cáo giảm phát thải và kiểm chứng kết quả gồm: Kỳ báo cáo 1 từ 1/2/2018 - 31/12/2019 với 3 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương với 15 triệu USD, kiểm chứng và chi trả lần 1 năm 2020; kỳ báo cáo 2 từ 1/1/2020 - 31/12/2022 với 4 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương 20 triệu USD, kiểm chứng và chi trả lần 2 năm 2023; kỳ báo cáo 3 từ 1/1/2023 - 31/12/2024 với 3,3 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương với 16,5 triệu USD, kiểm chứng và chi trả lần 3 năm 2025.
Với nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân sáu tỉnh Bắc Trung bộ, việc thực hiện thành công Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải sẽ là tiền đề mở rộng thực hiện REDD+ ra nhiều tỉnh thành có rừng trên cả nước và thu hút các đối tác tài chính mới.
Chương trình Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ mở ra cơ hội tạo ra giá trị gia tăng của rừng, là động lực cho những nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, với người hưởng lợi là chủ rừng, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, các cộng đồng được giao đất, giao rừng...
REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực chống mất rừng, chống suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng, quản lý rừng bền vững, tăng cường trữ lượng các bon rừng. |