Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã thể hiện quyết tâm thực hiện các quy định IUU nhằm tăng cường quản lý nghề cá ở Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả. Về vấn đề khai thác bất hợp pháp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Việt Nam không dung túng các hành vi tàu cá vi phạm vùng biển các nước,cChính phủ rất quan tâm và xử lý nghiêm các vi phạm”.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/8, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tại cuộc họp này, các địa phương đã thể hiện quyết tâm rất cao nhằm chấm dứt tình trạng ngư dân, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. “Từ tháng 8 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi không có ngư dân nào vi phạm vùng biển của các nước. Đây là một tín hiệu tích cực” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Việt Nam đã điều tra, nắm bắt được nguồn lợi thủy sản. Trên cơ sở này, Bộ sẽ kiểm soát đóng mới tàu cá, khai thác nguồn lợi theo hướng giảm khai thác ven bờ, giữa tàu khai thác xa bờ 30.000 tàu, tổ chức lại việc khai thác hải sản theo hướng giảm những nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như lưới kéo, hướng tới phát triển nghề cá bền vững.
Về kiểm soát tàu, hiện có 3 dự án thí điểm, lắp đặt thiết bị giám sát trên 12.000 tàu. Trong thời gian tới, Việt Nam phấn đấu 100% tàu khai thác xa bờ sẽ được lắp thiết bị giám sát và bật thiết bị kết nối 24/24h. Bộ cũng đang xây dựng đề án khai thác viễn dương, ký kết hợp tác với các nước nhằm tổ chức khai thác hợp pháp; đồng thời thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp...
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới. Phía EU đã cử chuyên gia sang tư vấn giúp Việt Nam về việc sửa đổi luật từ 4/8/2017. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc sửa đổi Luật Thủy sản lần này sẽ đưa chế tài cao nhất vào để hướng tới phát triển nghề cá bền vững. Qua đó, Việt Nam sẽ cố gắng tiếp cận các khuyến nghị của EU về thực hiện các quy định IUU.
Theo Bộ trưởng, việc thực hiện các quy định IUU là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách, các chương trình, đề án nhằm khai thác hải sản một cách bền vững, hiệu quả. Song, do đặc điểm nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, trình độ ngư dân có hạn nên không thể một sớm, một chiều có thể hoàn thiện như các nước phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt trong tháng 9/2017; Bộ cũng tham mưu nâng cấp Tổ công tác 689 thành Ban chỉ đạo do 1 Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban chỉ đạo trong thời gian tới... Chính vì thế, Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ sớm hoàn chỉnh báo cáo về việc thực hiện quy định IUU để gửi tới EU, đồng thời kiến nghị EU lùi thời gian xem xét vấn đề này đến 31/12/2017.
Trước những nỗ lực của phía Việt Nam, đại sứ Bruno Angelet đánh giá cao phía Việt Nam đã và đang làm được nhiều việc để thực hiện quy định IUU. Ông cam kết sẽ cùng lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT tiếp tục trao đổi, bàn thảo để giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn trong việc triển khai, thực hiện quy định IUU.