Tạo xung lực mới cho hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt
Tại cuộc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin, chiều ngày 20/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay dành cho Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt trong sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc và trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Việt Nam-Nga nhất trí nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ, tạo xung lực mới cho hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, góp phần làm sâu sắc khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảm ơn sự đón tiếp thân tình, trọng thị, cũng như những tình cảm tốt đẹp mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho ông và Đoàn đại biểu cấp cao Nga, khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy và lâu đời; quan hệ hai nước đã vượt qua những chặng đường lâu dài và nhiều thử thách, đạt nhiều thành quả tích cực về chính trị-ngoại giao thông qua trao đổi đoàn cấp cao, quan hệ chính trị tin cậy giữa hai nước ngày càng được củng cố, là nền tảng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác, trong đó có kinh tế; thương mại tăng trưởng tích cực, nhiều dự án đầu tư thành công ở hai nước; hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ và giao lưu nhân dân được hai bên quan tâm thúc đẩy.
Bày tỏ ấn tượng sâu sắc về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và triển khai đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định chuyến thăm lần này là dịp quan trọng để hai bên trao đổi, thống nhất các biện pháp đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, năng lượng, giao lưu nhân dân, nhân văn và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên nhất trí nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật; sớm thống nhất, triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác Việt Nam-Nga đến năm 2030, Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên Việt Nam-Nga giai đoạn 2024-2025; tăng cường hợp tác tài chính - tín dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần khai thác tối đa các lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu, đề nghị phía Nga tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại hai nước, nhất là xuất khẩu hàng tiêu dùng và nông thủy sản thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Nga, nâng mức hạn ngạch cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, ủng hộ tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản của Nga tiếp cận thị trường Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP |
Về đầu tư, hai bên ủng hộ sớm triển khai một số dự án quy mô lớn mang tính chất hải đăng của Nga về hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường tàu nội đô, tàu điện ngầm, năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước mở rộng, đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh hiệu quả trên lãnh thổ của nhau.
Nhấn mạnh hợp tác dầu khí - năng lượng là trụ cột quan trọng của hợp tác kinh tế Việt-Nga, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, có giải pháp kịp thời sớm tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả các dự án hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro cũng như các doanh nghiệp dầu khí Nga như Zarubezhneft, Gazprom mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Hai bên ủng hộ mở rộng hợp tác sang lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch và tái tạo, như LNG, điện gió ngoài khơi, nhằm đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững.
Lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên sẽ sớm đàm phán, triển khai Hiệp định vận tải giao thông, hàng hải thương mại để thúc đẩy kết nối, tăng cường thương mại đầu tư; tăng cường kết nối hàng không; Hiệp định về điều kiện đi lại của công dân hai nước, Hiệp định thu hút và tuyển dụng lao động có tay nghề của Việt Nam sang Nga, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác du lịch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nga hỗ trợ đào tạo các vận động viên của Việt Nam về các môn thế mạnh của Nga, như thể dục dụng cụ, cờ vua; hai bên sẽ sớm khởi động đàm phán và ký mới Hiệp định về lao động và đào tạo nghề là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước.
Tại cuộc hội kiến, Lãnh đạo hai nước ghi nhận những đóng góp tích cực của công dân hai nước đang sinh sống, làm việc và học tập trên lãnh thổ của nhau vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghi truyền thống thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nga.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo và chính quyền các cấp phía Nga tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn ổn định, hợp pháp tại Nga, hòa nhập sở tại.
Tại cuộc hội kiến, kai nhà lãnh đạo đã dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC… Ảnh: VGP |
Tổng thống Putin ghi nhận lập trường khách quan, cân bằng của Việt Nam về vấn đề Ucraina. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới; sẵn sàng tham gia các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho vấn đề Ucraina.
Về Biển Đông, hai bên ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc UNCLOS 1982; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; ủng hộ thực thi đầy đủ DOC, sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả.