Thủ tướng lên đường thăm Nhật Bản, dự Hội nghị Tương lai châu Á Khai mạc Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 về Tương lai châu Á |
Từ ngày 24-26/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 và làm việc tại Nhật Bản theo lời mời của ông Tsuyoshi Hasebe, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 15 từ năm 2009 và liên tục cử đoàn cấp cao tham dự hội nghị từ đó đến nay. "Sự tham dự tích cực ở cấp cao của đoàn Việt Nam tại các Hội nghị Tương lai châu Á trong những năm qua được Ban tổ chức, các đại biểu tham dự cũng như phía Nhật Bản đánh giá cao" - Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho hay.
Vượt lên nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam đã phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19, đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng: năm 2022 tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 8,02%, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD - đứng thứ 4 trong ASEAN, kim ngạch thương mại vượt 730 tỷ USD, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu.
Đến với Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28, Việt Nam không chỉ tham gia đánh giá, nhận định về tình hình thế giới và khu vực, phân tích các cơ hội cũng như các thách thức cấp bách mà còn cùng các nước tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Việt Nam và các đại biểu Nhật Bản tham dự “Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản 2023: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững” tại Hà Nội |
Được biết, Chương trình nghị sự Tương lai châu Á luôn thu hút sự quan tâm và tham dự của Lãnh đạo cấp cao, chính khách, học giả, doanh nghiệp các nước châu Á cũng như đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, là diễn đàn để các đại biểu thảo luận cởi mở về các vấn đề khu vực; vai trò và tiềm năng của châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới và các giải pháp nâng cao vị thế của khu vực.
Hội nghị năm nay sẽ có 6 bài phát biểu của Lãnh đạo cấp cao các nước và 6 phiên thảo luận chuyên đề. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự kiến phát biểu ngay trong buổi sáng ngày đầu tiên, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề lớn của châu Á, kinh nghiệm và giải pháp ứng phó với những thách thức chung của khu vực, nỗ lực kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho rằng, "là một nước đang phát triển, hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, Việt Nam đặc biệt đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Với tinh thần đoàn kết, hợp tác, tôi tin rằng châu Á có thể cùng nhau tạo dựng sức mạnh hướng đến tương lai".
Việc Việt Nam cử đoàn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự hội nghị không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam đối với hội nghị lần này mà còn thể hiện tầm quan trọng của diễn đàn Tương lai châu Á nói chung trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Là một thành viên có trách nhiệm của châu Á, do vậy, Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn cho tương lai của châu Á đang định hình rõ nét trong hệ thống chính trị toàn cầu.
Việc Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp phát biểu và trao đổi tại hội nghị còn gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng cùng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết đối với các thách thức cấp bách, mang tính toàn cầu hiện nay, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. "Điều này cũng thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương" - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu.
Hội nghị Tương lai châu Á là hội nghị quốc tế thường niên có uy tín hàng đầu ở châu Á do Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức từ năm 1995. Đây là diễn đàn trao đổi chính sách uy tín, nơi lãnh đạo cấp cao các nước tham dự thảo luận thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề nổi lên ở khu vực châu Á, cơ hội, thách thức cho phát triển, an ninh, hòa bình và ổn định, từ đó định hình chính sách, đề xuất các ý tưởng hợp tác, các giải pháp tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy gắn kết nhằm nâng cao vị thế của châu Á trên thế giới, vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Tận dụng sức mạnh của châu Á để đương đầu với những thách thức toàn cầu”. Đây là chủ đề mang tính thời sự, có tính cấp thiết để lãnh đạo các chính phủ, doanh nghiệp, học giả... trao đổi về các cơ hội và thách thức cấp bách mà châu lục nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt, các xu thế phát triển mới cũng như những cam kết về nỗ lực đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung của các quốc gia trong khu vực. Từ đó, Hội nghị đưa ra đánh giá, nhận định, sáng kiến và đề xuất nhằm đóng góp tích cực vào quá trình giải quyết các thách thức, các vấn đề khu vực và quốc tế. |