Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh - đã cho biết như vậy tại cuộc họp giới thiệu sự kiện "Japan Vietnam Festival" được tổ chức mới đây.
Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá về thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản |
Theo ông Hirai Shinji, kể từ năm 2002, JETRO đã tiến hành “Bảng câu hỏi khảo sát về việc phát triển kinh doanh ở nước ngoài" hàng năm với các công ty Nhật Bản có quan tâm đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Trong năm tài chính 2020, JETRO đã nhận được phản hồi từ tổng số 2.722 công ty và trong cuộc khảo sát này, mong muốn mở rộng ra nước ngoài vẫn không hề giảm sút. Bảng khảo sát còn cho thấy, trong khi Trung Quốc đang là thị trường mục tiêu lớn nhất thì xu hướng đa dạng hóa sang Hoa Kỳ, Việt Nam, Đài Loan... cũng tăng lên. Đặc biệt lưu ý là trong các quốc gia/khu vực mà doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc, nhưng trong một cuộc khảo sát cách đây 10 năm, giữa Trung Quốc và Việt Nam có một khoảng cách khoảng 48% thì mức chênh lệch này đã thu hẹp dần theo từng năm, và còn khoảng 7%.
“Tỷ lệ về các vấn đề gặp phải trong kinh doanh ở Việt Nam nhìn chung đang giảm, được thể hiện qua động lực mở rộng kinh doanh ngày càng tăng. Đặc biệt, các vấn đề về cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể” - ông Hirai Shinji đánh giá.
Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản chọn là thị trường tiêu thụ sản phẩm |
Cũng chính vì thế mà Việt Nam trước đây chủ yếu được các doanh nghiệp Nhật lựa chọn làm nơi sản xuất hàng hóa thì nay đã trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, Việt Nam đã đứng thứ 5 trong tốp 10 thị trường nhập khẩu nông - lâm - thủy sản Nhật Bản với doanh thu 53,5 tỉ Yen trong năm 2020. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật muốn bán hàng vào Việt Nam, cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Do đó, JETRO đã vận hành nền tảng trực tuyến Japan Street từ đầu năm nay, cho phép hỗ trợ việc phân phối sản phẩm Nhật trong suốt cả năm. Hơn 500 nhà cung cấp đã đăng ký trên website, dự kiến sẽ tăng số lượng đăng ký trong tương lai. Các đơn vị mua hàng từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đã được JETRO mời và đăng ký tham gia.
Đặc biệt, ông Hirai Shinji cho biết, JETRO đã thành lập nhóm doanh nghiệp xúc tiến chuyển đổi số để kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Trong đó có 1 số doanh nghiệp Việt Nam công nghệ còn cao hơn Nhật Bản và JETRO đã đầu tư vào những doanh nghiệp này để mua lại công nghệ của họ. Có thể kể tới như trong năm 2020 Tập đoàn Sojitz (Sojitz) đã thâu tóm cổ phần của Công ty CP RYNAN (RYNAN) - một stratup công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam thông qua phương thức phân phối chứng khoán cho bên thứ ba. Với việc đầu tư vào RYNAN, Sojitz sẽ khai thác thế mạnh mạng lưới kinh doanh của mình tại Việt Nam và quốc tế để phổ biến nền tảng ứng dụng nông nghiệp này, và cũng là để theo đuổi mục tiêu cách mạng công nghiệp 4.0, đóng góp vào tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông minh vào các lĩnh vực kinh tế then chốt của quốc gia.
Bên cạnh đó, JETRO Hồ Chí Minh cũng cho ra mắt kênh YouTube "Vietnam-Japan DX" giới thiệu các công ty khởi nghiệp của Việt Nam vào tháng 1/2021, và đã đăng tải 19 video cho đến nay, hỗ trợ kết nối giữa các công ty Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam với các doanh nghiệp Việt Nam.
Japan Vietnam Festival được tổ chức tại Công viên 23-9, TP. Hồ Chí Minh trong hai ngày 17 và 18/4/2021. Theo JETRO, mục đích tổ chức sự kiện lần này như một hoạt động trong dự án “Japan Mall” nhằm thúc đẩy việc bán các sản phẩm Nhật Bản thông qua các trang thương mại điện tử EC và các nhà bán lẻ tại nước ngoài. Chính vì thế , JETRO cho biết có đến 50% doanh nghiệp Nhật Bản được tổ chức này kết nối trưng bày sản phẩm tại sự kiện lần đầu làm quen thị trường Việt Nam. |