Doanh nghiệp Singapore tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Tp. Hồ Chí Minh Giới thiệu Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore lần thứ 7 tại Hà Nội |
Ông Kok Ping Soon - Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cho hay: Các công ty Singapore rất quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam. Nguyên do, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày càng gia tăng và khả năng sản xuất để hỗ trợ xuất khẩu tại đây được đánh giá là mạnh mẽ.
Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore năm 2022-2023, Việt Nam được xếp là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Các lĩnh vực quan tâm chính của công ty Singapore bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, thương mại bán buôn và bán lẻ.
Năng lực sản xuất cao là điểm hấp dẫn của Việt Nam với doanh nghiệp Singapore |
Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cũng cho hay: Chính phủ hai nước đã mở rộng mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số. Có rất nhiều điều mà Singapore và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực này để cùng phát triển, nhằm giải quyết các lợi ích cũng như cam kết quốc tế và khu vực của hai nước.
Điều này được minh chứng qua hàng loạt các biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai nước trong thời gian qua, bao gồm: Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Bộ Công Thương Việt Nam, hợp tác về tín chỉ carbon giữa MTI và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, thỏa thuận về Quan hệ đối tác kinh tế số - kỹ thuật xanh giữa MTI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Khi kí các biên bản này, Singapore mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng và an ninh mạng.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh - xu hướng nổi bật hiện nay, Singapore muốn hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 ở cả hai nước. “Chúng tôi đang tìm cách phát triển một mạng lưới điện kết nối Singapore và Việt Nam, nếu được thực hiện, đây có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác và thương mại năng lượng điện trong ASEAN”, ông Kok Ping Soon thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, Việt Nam chắc chắn tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các danh mục đầu tư của Singapore. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, các công ty Singapore bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế, thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên và dân số có trình độ học vấn, tay nghề cao và có kỹ năng công nghệ ngày càng cao.
“Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng về tăng trưởng kinh tế vào chính trị ổn định, các điều kiện về nhân khẩu học thuận lợi và các nền tảng vững chắc khác của Việt Nam”, ông Victor Ngo - Giám đốc Điều hành Ngân hàng UOB tại Việt Nam đồng tình.
Ông Victor Ngo cũng tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là thị trường chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Với xu hướng mới “Trung Quốc +1”, Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến đầu tư và cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất, cơ sở hạ tầng, y tế và công nghệ. Kể từ khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng xuống 0% vào năm 2050, các dự án FDI xanh vào Việt Nam ngày càng nhiều, tạo nên làn sóng đầu tư sẽ thúc đẩy và nâng tầm tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thương mại song phương giữa Singapore và Việt Nam năm 2022 đạt 31,3 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện khả năng phục hồi trước đại dịch Covid-19. Về mặt đầu tư, vốn FDI của Singapore vào Việt Nam năm 2022 lên tới gần 6,46 tỷ USD, đưa Singapore trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng năm 2023 Việt Nam xuất khẩu sang Singapore 1,689 tỷ USD, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác có kim ngạch lớn nhất trên 329 triệu USD, máy vi tính, tiếp đến sản phẩm điện tử và linh kiện trên 284 triệu USD. |