Đó là nội dung chính diễn ra tại Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị và giao thông thông minh do Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức chiều ngày 14/11.
Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của nhân loại cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Xây dựng và phát triển đô thị phải hướng đến những giá trị chung toàn cầu, đó là những mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Việt Nam hiện có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc vào khoảng 37,5%, khu vực đô thị luôn đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước, khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế, mang lại giá trị công nghiệp, xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và tác động lan tỏa sự phát triển các vùng trên cả nước.
Bên cạnh những đóng góp tích cực của quá trình đô thị hóa, theo ông Trần Ngọc Linh - Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) - các đô thị Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều thách thức: Chất lượng tăng trưởng đô thị chưa bền vững, cơ sở hạ tầng và kết nối nghèo nàn, thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển của đô thị, năng lực quản lý đô thị còn hạn chế… Ngoài ra là tốc độ phát triển hạ tầng thường không theo kịp với tốc độ đô thị hóa, dẫn đến những hệ lụy như tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…
Vì vậy, “trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của đô thị, thì đô thị và giao thông thông minh chính là giải pháp hữu hiệu nhất” - ông Trần Ngọc Linh nhấn mạnh.
Một số đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Dương… Tuy nhiên, có rất nhiều địa phương tại Việt Nam lại đang lúng túng trong xây dựng ĐTTM vì thiếu hành lang pháp lý cho các dự án này. Trước thực tế đó, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển ĐTTM, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Theo đó, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển ĐTTM và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích ĐTTM.
Hà Nội là 1 trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, Hà Nội đang lựa chọn mục tiêu xây dựng ĐTTM và hướng tới một mô hình thành phố thông minh, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, vấn đề giao thông thông minh cũng đang được thành phố ưu tiên triển khai thực hiện. Cụ thể “Tổ chức triển khai thí điểm xử lý vi phạm tự động thông qua hệ thống camera giám sát tại bến xe Giáp Bát; ứng dụng công nghệ Ipacking thu phí đỗ xe; thí điểm hệ thống thẻ vé thông minh trên tuyến BRT01. Thí điểm lắp đặt đèn tín hiệu thông minh tại một số nút giao thông…” - ông Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, đô thị nói chung, đó là mô hình nào, phương thức nào để triển khai ĐTTM, giao thông thông minh.
Ông Lim Hong Sang - Tổng công ty Nhà ở và Đất đai Hàn Quốc (LH) - cho hay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ ĐTTM, đạt được nhiều thành công trong quy hoạch, quản lý giao thông, quản lý dân cư…, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các đối tác Việt Nam và hiểu thêm về hiện trạng phát triển đô thị Việt Nam, từ đó tìm kiếm những công nghệ chiến lược khả thi để bước vào thị trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia, quy hoạch ĐTTM ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu, hình thành phương pháp, quy trình, hướng dẫn. Vì vậy, để ĐTTM trở thành hiện thực, không chỉ là sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn phải kết hợp với quy hoạch thông minh để tạo nên không gian đô thị bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng của hai nước đã tập trung thảo luận xung quanh các chủ đề: Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam; Xu hướng quy hoạch và phát triển ĐTTM; Xây dựng chính quyền điện tử và TP. Hà Nội thông minh; Trung tâm đô thị thông minh Việt - Hàn hỗ trợ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng ĐTTM; Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành đô thị giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025…