Việt Nam- Hà Lan hợp tác xây dựng nền kinh tế tuần hoàn
Tin hoạt động 27/09/2018 14:50
Hà Lan- quốc gia đi đầu trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn
Tại hội thảo, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman chia sẻ, từ lâu Hà Lan đã chú trọng việc xây dựng mối quan hệ với Việt Nam và quan hệ đối tác của hai bên ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, điều này được thể hiện rõ ràng và được củng cố thêm qua sự đầu tư, giao thương của các công ty Hà Lan với Việt Nam, qua mối quan hệ đối tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó có việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Chi tiết hơn về nền kinh tế tuần hoàn, đại diện đến từ Hà Lan cho biết, đây là một khái niệm về một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đặc biệt, trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng thì nhiều quốc gia, trong đó có Hà Lan đã sớm thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế sạch-nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
“Hà Lan đã thành công trong nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và triển khai thu gom, tái sử dụng chất thải các loại làm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất” – bà Elsbeth Akkerman giới thiệu và khẳng định, với kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực của mình, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai.
Để hiện thực hoá nền kinh tế tuần hoàn, ông Therus Gieling – Đại diện tổ chức GC International – cho biết, với quan điểm không có gì là bỏ đi, tổ chức GC International đã tiến hành nhiều sự án thu gom, tái sử dụng nhiều loại rác thải rẵn, lỏng trong sản xuất và sinh hoạt khí tại Hà Lan và nhiều quốc gia khác, như Gana, Ấn Độ. Tổ chức này đã xúc tiến thực hành kinh tế tuần hoàn và cung cấp các dịch vụ hướng đến chu trình khép kín dành cho sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng từ khâu khai thác nguyên liệu thô, đến sản xuất, phân phối, sử dụng, quản lý chất thải cho đến khâu thải bỏ cuối cùng nhằm đảm bảo rằng các tài nguyên được sử dụng liên tục tuần hoàn là kết quả của các hoạt động sáng tạo.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam - Elsbeth Akkerman khẳng định với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải về việc Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn |
Đặc biệt, tổ chức này còn tiến hành nghiên cứu, đánh giá khả năng tái sử dụng rác thải, lên ý tưởng, xây dựng dự án tiền khả thi, tổ chức thực hiện và kêu gọi nguồn tài trợ từ Chính phủ và các tổ chức chính trị, xã hội trên toàn thế giới.
Với Việt Nam, ông Therus Gieling cho rằng, khó khăn lớn nhất là trong khi lượng rác thải phát sinh trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt ngày càng lớn thì khả năng thu gom, tái xử dụng lại chưa tương xứng. Đặc biệt là việc chưa thực hiện phân loại rác thải từ nguồn; thiếu công nghệ, nguồn lực… để thu gom, tái sử dụng rác thải các loại.
“Để hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tổ chức GC International sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của mình” - ông Therus Gieling khẳng định.
Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Hà Lan
Chia sẻ thông tin, ông Phạm Trọng Thực- Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) – cho biết, từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
“Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng đã đưa ra những quy địn cụ thể về việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ và quy định về phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với mục đích tái chế” – ông Thực nói và cho biết thêm, nhà nước Việt Nam cũng dành những ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải.
Tuy nhiên, khó khăn của Việt Nam là thiếu công nghệ, nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp tái chế chất thải. Bên cạnh đó, trong khi sản phẩn tái chế khó tiêu thụ thì hiện chúng ta chưa hình thành được các mối liên kết từ nhà sản xuất đến phân phối các sản phẩm loại này.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt.
Trong lĩnh vực công nghiệp, hàng năm, lượng chất thải như tro, xỉ, bã thạc cao (GYP) hoạt động sản xuất thép, nhiệt điện than và sản xuất phân bón DAP lên đến gần 16 triệu tấn; chất thải sinh hoạt đô thị khoảng 25 triệu tấn; chất thải và phụ phẩm nông nghiệp khoảng 43 triệu tấn… tuy nhiên, phần lớn lượng chất thải này chưa được sử dụng làm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn giấy, nhựa và sắt thép phế liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất lớn trong nền kinh tế, từ năng lượng, điện, than đến dầu khí, công nghiệp hoá chất, thép, ô tô, xe máy, dệt may, rượu bia, nước giải khát... Trong các phân ngành này có tiềm năng lớn trong việc sử dụng chất thải của ngành này làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất khác, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc thu hồi tái chế rác thải, nhất là rác thải công nghiệp, nông nghiệp” – Thứ trưởng nói và mong muốn, là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế thông thường sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu trở thành nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050, Chính phủ Hà Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình định hướng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải, biến chất thải thành tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.