Cơ hội rộng mở cho các bạn trẻ đam mê ngành công nghiệp hoạt hình Ngành công nghiệp hóa chất hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn |
Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn |
Năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết, từ những thành tựu đạt được, chúng ta cần rút ra bài học gì để FDI tiếp tục là động lực quan trọng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Bài học rút ra đầu tiên là cần giữ sự ổn định của môi trường đầu tư, đặc biệt là các cam kết mà chính quyền đã ký kết và sự ổn định của chính sách. Cùng với đó, liên tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đầu tư để hỗ trợ hoạt động đầu tư nước ngoài.
Cần có sự hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, hydrogen xanh,…; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Cùng với đó, để tạo thuận lợi thu hút FDI, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Vấn đề quan trọng nữa cần lưu ý đó là, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết thực, cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như: Công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao,… để chủ động tiếp cận trao đổi, mời gọi vào đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Synopsys hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam ( Ảnh: Thái Khang) |
Nhiều nhận định cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.
Đặc biệt, việc Tổng thống Hoa kỳ cam kết và ủng hộ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và vào ngành chíp, bán dẫn đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam gia nhập mạng lưới sản xuất có giá trị cao của quốc tế.
Thực tế, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trước cơ hội trên, Việt Nam đã và đang có những quyết sách gì để tăng cường thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.
Để triển khai các kế hoạch này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Hàn Quốc, Đài Loan,…để đặt các văn phòng đại diện, văn phòng nghiên cứu tại NIC.
Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Tôi mong muốn các nhà đầu tư hãy đến, hãy tìm kiếm cơ hội đầu tư của mình và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!