Dẫn đầu về hội nhập kỹ thuật số
Đông Nam Á có khoảng 400 triệu người dùng Internet và 10% trong số đó đã tham gia thương mại điện tử lần đầu tiên vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Tại Hội nghị về công nghệ châu Á được tổ chức mới đây với sự tham gia của các Bộ trưởng ASEAN và các chuyên gia về kinh tế số, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore Josephine Teo khẳng định: 10 nền kinh tế thành viên ASEAN khá trung lập về công nghệ. Các cá nhân và doanh nghiệp có quyền tự do quyết định công nghệ nào là thích hợp nhất, phù hợp nhất, đáp ứng nhu cầu của họ mà không bị áp đặt sử dụng một loại công nghệ cụ thể.
Giao dịch không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến |
Dự báo, khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, sự phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số sẽ tiếp tục phát triển, điều này sẽ làm cho hợp tác quốc tế có giá trị hơn. Là một phần của kế hoạch tổng thể kỹ thuật số, ASEAN đặt mục tiêu đạt được những bước tiến quan trọng để trở thành cả nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số vào năm 2025, với công nghệ là cốt lõi. Một thành phần chính là sự trỗi dậy của nền kinh tế internet, nơi mọi người sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số để mua, bán, giao tiếp xã hội và thậm chí quản lý cuộc sống hàng ngày.
Theo ông Abdul Mutalib Yusof - Bộ trưởng Giao thông vận tải và Thông tin - truyền thông của Brunei, có ba điều cần cân nhắc khi nghĩ rộng về chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN. Đó là: Cơ hội, tính trung lập của công nghệ và vai trò của các nhà hoạch định chính sách và quản lý.
Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số của ASEAN đã có khuôn khổ và các điều khoản hợp đồng mẫu nhằm giúp các công ty hoạt động trong khu vực quản lý tốt hơn việc truyền dữ liệu từ quốc gia này sang quốc gia khác. Đây là một trong những cách mà ASEAN đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới, từ đó sẽ giúp phát triển thương mại kỹ thuật số. Singapore ngày 13/7 đã công bố một sàn giao dịch kỹ thuật số cho phép nhiều bên liên quan - chẳng hạn như các công ty logistics, chủ hàng và người mua - chia sẻ thông tin có giá trị như địa điểm hàng hóa theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã thực hiện hội nhập chặt chẽ hơn trong hợp tác an ninh mạng, bao gồm việc thiết lập một cơ chế trao đổi thông tin về các hoạt động đáng ngờ và mối đe dọa mạng tiềm ẩn với nhau.
Tương lai xán lạn của kinh tế số Việt Nam
Nền kinh tế internet ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan được dự đoán sẽ vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 52 tỷ USD.
Sự tăng trưởng nhanh chóng này được củng cố bởi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số rộng rãi hơn tại Việt Nam. Chương trình quốc gia về chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam nhằm đảm bảo hơn 80% hộ gia đình được tiếp cận với cơ sở hạ tầng cáp quang vào năm 2025.
Một nghiên cứu cho thấy, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng truy cập internet, dân số tương đối trẻ và ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn thương mại điện tử là một kênh phân phối. Tỷ trọng tiêu dùng trực tuyến tăng cao nhất là thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm, đồ thể thao, thời trang và văn phòng phẩm.
Các nền tảng thuộc sở hữu nước ngoài trong khu vực đang thống trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Ví dụ như Lazada và Shopee thuộc sở hữu của Alibaba (Trung Quốc) và SEA Ltd. (Singapore). Tuy nhiên, các công ty trong nước như Tiki đã báo hiệu kế hoạch tăng trưởng trong thời gian đại dịch.
Thanh toán tiền mặt vẫn là phương thức được lựa chọn tại Việt Nam. Vào năm 2019, chỉ 41% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, trong đó phần lớn ở các thành phố. Tuy nhiên, có những chỉ số cho thấy nhu cầu về các dịch vụ tài chính kỹ thuật số sẽ tăng lên. Tác động tổng hợp của việc truy cập internet ngày càng tăng và thị trường thương mại điện tử bùng nổ có thể tạo ra cơ hội trong lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số, thanh toán, tiết kiệm và các dịch vụ tài chính khác.
Năm 2020, Timo Plus, “ngân hàng kỹ thuật số” đầu tiên của Việt Nam thông báo sẽ đầu tư vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số thông qua các sản phẩm tín dụng và tiết kiệm nhằm thu hút những người gửi tiền muốn chuyển khỏi các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nhu cầu thanh toán cũng tăng theo Covid-19 với mức tăng 76% trong thanh toán kỹ thuật số trong năm 2020.
Nền kinh tế internet của Việt Nam có thể chứng kiến mức tăng trưởng 29% trong vòng 5 năm tới. Trụ cột trung tâm củng cố xu hướng này là một hệ sinh thái kỹ thuật số của các công ty và người tiêu dùng. Do đó, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp sẽ là “chìa khóa” để chuyển đổi số thành công ở Việt Nam và chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội trong các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin và công nghiệp 4.0. Ví dụ, thị trường dịch vụ đám mây ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 291 triệu USD vào năm 2024, tốc độ CAGR trong 5 năm trên 10%. Phần lớn sự tăng trưởng này tập trung ở khu vực phía Bắc và các công ty nước ngoài như Microsoft, Amazon Web Services, IBM và SAP Asia là những công ty chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đám mây.
Các nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh tập trung vào Mục tiêu cải thiện thứ hạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới toàn cầu thông qua tăng năng suất trong các quy trình sản xuất đã thúc đẩy cải cách chính sách trong những năm gần đây. Chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 đã được ban hành vào năm 2019, tập trung vào đầu tư nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng kết nối và quản trị kỹ thuật số. Do đó, tăng trưởng tại thị trường Việt Nam đối với các công nghệ như dữ liệu lớn, dịch vụ đám mây, Internet vạn vật phụ thuộc vào việc mở rộng lực lượng lao động có kỹ năng và cung cấp cơ sở hạ tầng kết nối chất lượng cao. Ngoài ra, sự thúc đẩy của Việt Nam đối với công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đặt các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại đây, ví dụ như Samsung, Panasonic, Bosch, GE và Piaggio.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã diễn ra trước đại dịch Covid-19 nhưng tăng mạnh hơn trong đại dịch. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số, công nghiệp 4.0 đang sẵn sàng phát triển và mang lại cơ hội sinh lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. |