Trong một bài phát biểu vừa qua tại diễn đàn Reuters NEXT ở Singapore, ông Stephen Ng - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Nam Á, Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) khẳng định: Đang có rất nhiều cơ hội đầu tư chiến lược cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.
Bên trong một nhà máy đóng gói sản phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: AFP) |
Cũng trong bài phát biểu trên, ông Stephen Ng cho biết CICC đang xin giấy phép đầu tư tại Indonesia, và đang có kế hoạch mở rộng tại Malaysia. Được biết, CICC đã mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 tại Đông Nam Á có văn phòng đại diện của tập đoàn này.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Stephen Ng chia sẻ về tiềm năng rộng lớn của thị trường Đông Nam Á. Trong một bài phỏng vấn với tờ Financial Times vào tháng 4, ông Stephen Ng đã nói: “Sự gần gũi về mặt địa lý, văn hóa, ngôn ngữ cũng như tài nguyên thiên nhiên của Đông Nam Á đang khiến nơi đây trở thành điểm thu hút rất lớn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Ông Stephen Ng và Tiến sĩ Chu Gang - Giám đốc Điều hành CICC trong buổi làm việc tại Bộ Tài chính vào năm 2023. (Nguồn ảnh: Bộ Tài Chính) |
Cũng trong bài phỏng vấn trên, ông Stephen Ng bày tỏ mong muốn biến CICC trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc và thị trường Đông Nam Á. Ông khẳng định: “Đằng sau các công ty như BYD và Geely là hàng trăm, hàng nghìn công ty Trung Quốc khác đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng ở Đông Nam Á.”
Được biết, Tập đoàn CICC là ngân hàng đầu tư liên doanh đầu tiên của Trung Quốc và là ngân hàng tiên phong áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất của Trung Quốc. Với trụ sở chính tại Bắc Kinh, CICC hiện đang có hơn 200 chi nhánh tại Trung Quốc đại lục và các văn phòng chi nhánh tại Đặc Khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), New York, Singapore, London, San Francisco, Frankfurt và Tokyo.
Là ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực giao dịch ở nước ngoài, CICC đã báo cáo doanh thu 18,6 tỷ Nhân Dân Tệ (tương đương 2,6 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2023, tăng 5% so với một năm trước đó. Theo Financial Times, hoạt động kinh doanh nước ngoài đã mang lại doanh thu 3 tỷ Nhân Dân Tệ (tương đương 420 triệu USD) cho CICC trong nửa đầu năm 2023, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022. Tập đoàn này hiện sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 90 tỷ USD và có cổ đông bao gồm các “ông lớn” như Tencent và Alibaba.
Năm 2023, Trung Quốc trở thành nước có vốn đấu tư FDI lớn thứ 4 vào Việt Nam, với tổng vốn trong năm là hơn hơn 8,8 tỷ USD. Được biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng là 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng 11 tháng năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án cấp mới vào Việt Nam – 632 dự án, tổng vốn hơn 3 tỷ USD (cao thứ 2 về vốn đăng ký). |