Doanh nghiệp cơ khí trong nước liên kết tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ Tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam |
Điểm sáng kinh tế Việt Nam
Thời gian qua, dư luận thế giới đánh giá khách quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng.
Công nhân một doanh nghiệp FDI ở Ninh Bình. Ảnh: Hải Nguyễn |
Trong báo cáo tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024. Các số liệu nói trên giảm so với dự báo hồi tháng 4.2023, lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do sự suy yếu nhu cầu bên ngoài. Tuy nhiên, theo ADB, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là một trong những "người hùng" trong quá trình phục hồi kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Song WB đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ chỉ khoảng 4,7%, thấp hơn so với bình thường do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. GDP của Việt Nam dự kiến có thể tăng trưởng ở mức 5,5% vào năm 2024, nhưng đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện nhiều cải cách hơn nữa.
WB đánh giá, kinh tế Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ các cuộc cải cách đã được thực hiện, nhưng sẽ còn đạt được những tiến bộ nếu cải cách hơn lĩnh vực đầu tư công, cơ chế phối kết hợp quản lý đầu tư công, đồng thời, tiếp tục cải cách khu vực dịch vụ. Không chỉ tăng năng suất trong lĩnh vực dịch vụ, mà còn các ngành khác của nền kinh tế.
Nhân tố then chốt trong tái định hướng chuỗi cung ứng toàn cầu
Khi nhìn nhận Việt Nam là nhân tố then chốt trong việc tái định hướng chuỗi cung ứng trên toàn thế giới nhờ một số lợi thế so sánh, trang Immago - website chuyên về các giải pháp nâng cao thương hiệu, cho rằng Việt Nam đạt được thành công một phần nhờ chiến lược phát triển tập trung vào việc sử dụng hệ thống thuế ưu đãi và thành lập các khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư.
Tính đến tháng 12.2022, Việt Nam có hơn 400 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bất nhất là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc (gần 2.500 dự án), Nhật Bản (hơn 1.500 dự án), Singapore (gần 450 dự án).
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đã giúp Việt Nam thu hút được vốn đầu tư lớn, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi không gian phát triển, với cách tiếp cận xanh hơn, cân bằng hơn để tăng trưởng và bền vững hơn.
Sự nổi lên của Việt Nam như một trung tâm sản xuất toàn cầu là điều không thể chối cãi, theo Immago. Các quốc gia như Bangladesh, Campuchia và Indonesia cũng đang nhận ra cơ hội và để mắt đến "miếng bánh" này. Mặc dù Việt Nam có thể không phải là công xưởng duy nhất của thế giới, nhưng chắc chắn Việt Nam nổi lên như một ngôi sao đang lên trên thị trường toàn cầu.