Vinh danh 34 giải pháp số cho xây dựng thành phố thông minh |
Mô hình chưa bao giờ hết "nóng"
Tại Diễn đàn Tech Summit 2023 diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Tech Awards do Báo VnExpress tổ chức chiều ngày 5/1, ông Nguyễn Lộc Vũ - Giám đốc công nghệ VnExpress - cho biết: Chúng ta đang sống trong thế giới đa kết nối, mỗi điểm chạm đều để lại vô vàn dấu chân trên môi trường số. Hàng triệu dữ liệu như vậy, cùng AI, BigData... góp phần hình thành nên thành phố thông minh. Và các thành phố thông minh sẽ góp phần giải quyết bài toán: năng lượng, an ninh, môi nhiễm môi trường... Đó là động lực cho các quốc gia phấn đấu để ngày càng có nhiều thành phố thông minh hơn.
Theo ông Vũ, Smart city chưa bao giờ hết “nóng”. Ông Vũ dẫn chứng bằng số liệu trích từ bảng xếp hạng Smart City Index 2021. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường thành phố thông minh toàn cầu là 22,4%, ước tính đạt tổng giá trị 2.800 tỷ USD vào năm 2027. Tại Việt Nam, Đề án phát triển Đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030 đã được phê duyệt từ tháng 8/2018. Đến nay, trên cả nước có 54 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh.
Và trong quá trình phát triển thành phố thông minh thì 5G và AI có vai trò quan trọng. Liên quan vấn đề này, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào - cho biết: Hiện tỷ lệ người sử dụng smartphone và internet ở cả Việt Nam lẫn thế giới đều rất cao. Việc ứng dụng thiết bị thông minh trong đời sống hiện nay đã khá quen thuộc. Đây là cơ hội để thu thập dữ liệu và ứng dụng vào nghiên cứu công nghệ. Theo đó, 5G sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai các giải pháp thành phố thông minh, song song với AI. Hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xây dựng thành phố thông minh.
Tech Expo 2023, triển lãm công nghệ trong khuôn khổ sự kiện Tech Awards 2022 của VnExpress, thu hút sự quan tâm lớn của khách tham quan. Tech Expo 2023 diễn ra hai ngày 5-6/1/2023 tại White Palace, Phạm Văn Đồng, TP. Hồ Chí Minh. |
Ông Thiều Phương Nam cũng dự báo rằng 5G hứa hẹn là nền tảng cho những đổi mới trong tương lai và hỗ trợ các dịch vụ thế hệ tiếp theo. Bởi lẽ 5G hiện không chỉ giúp tăng cường các dịch vụ băng thông rộng di động, cung cấp dung lượng hầu như không giới hạn mà còn hỗ trợ mở rộng quy mô kết nối internet, cho phép giao tiếp độ trễ thấp với các dịch vụ quan trọng.
Thực tế cũng cho thấy, hiện tại trên toàn thế giới có hơn 225 nhà mạng tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai dịch vụ 5G thương mại. Hơn 280 nhà mạng khác cũng đang đầu tư để triển khai 5G. Tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, 5G được dự đoán sẽ chiếm 48% số thuê bao và chạm ngưỡng 620 triệu vào cuối năm 2028.
IHS Markit dự đoán rằng 5G sẽ mang lại 13.100 tỷ USD trong hoạt động kinh doanh toàn cầu vào năm 2035 trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, đồng thời chiếm gần 5,1% tổng doanh thu. Riêng thành phố thông minh, ông Nam dự đoán sẽ mang lại doanh thu 2.212 tỷ USD.
Nhiều thách thức cần đối mặt khi phát triển “Smart city”
Theo tổ chức cạnh tranh toàn cầu IDM, chỉ số xếp hạng thành phố thông minh sẽ là tiêu chí quan trọng để thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chuyên gia về kinh tế và công nghệ đánh giá Việt Nam có rất nhiều động lực trong việc phát triển đô thị thông minh trong tương lai. Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi, cùng còn nhiều thách thức mà chúng ta cần phải đối mặt và vượt qua.
Cụ thể, tại Việt Nam “Smart city” hiện đang phát triển theo hướng rất nhiều nhà tư vấn, rất nhiều thông tin công nghệ đến làm việc với các địa phương để xây dựng đề án. Và thực trạng là mỗi đề án theo một hướng.
Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận của Diễn đàn Tech Summit 2023 |
Liên quan vấn đề này, ông Dương Công Đức - Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions cho rằng, do mỗi đơn vị có kinh nghiệm, thế mạnh khác nhau. Các ứng dụng cũng đa dạng, phụ thuộc đặc trưng từng đơn vị, lĩnh vực. Đáp ứng nó cần tính tùy biến. Tuy nhiên cần đối diện bài toán: sự đa dạng có hạn chế sự kết nối, ngăn cản các hệ thống "nói chuyện" với nhau? Vì vậy, điều bắt buộc là phải có tính thống nhất - tức một quy chuẩn về dữ liệu, giao tiếp. Còn phần tùy biến, đa dạng tùy thuộc sự sẵn sàng về hạ tầng, con người, nhu cầu...
"Trong tùy biến có thống nhất. Trong thống nhất có linh hoạt. Đây là điều hiển nhiên để không cản trở sự tiếp nhận của các đơn vị. Nghĩa là địa phương cần căn cứ chỉ đạo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chủ quản như Bộ Xây dựng, các cơ quan chuyên ngành để thống nhất cấu trúc, từ đó tiếp nhận tư vấn phù hợp", ông Đức nhấn mạnh.
Còn theo ông Đỗ Nguyên Hưng - Phó tổng giám đốc khối Dự án Schneider Electric Việt Nam, với thành phố thông minh, mục đích cuối cùng là phát triển bền vững qua ba trụ cột gồm: tăng trưởng kinh tế; chính quyền điều hành thành phố hiệu quả với chi phí thấp; đem lại môi trường sống tốt cho cư dân. Do vậy, xây dựng hạ tầng thông minh đáp ứng cả ba yếu tố trên rất quan trọng, cần đặc biệt chú trọng giai đoạn quy hoạch, thiết kế.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện rào cản khi xây dựng thành phố thông minh chủ yếu là tính chất phức tạp, rủi ro và chi phí lớn. Do đó, Việt Nam nên bắt đầu bằng thử nghiệm ở những khu "thành phố thông minh thu nhỏ", trước khi triển khai trên toàn thành phố.
“Dùng thử, thử nghiệm là yếu tố cần thiết góp phần hoàn thiện sản phẩm trước khi triển khai rộng rãi bởi các sáng tạo công nghệ, người dùng cần hiểu nó mới dùng thử hiệu quả. Bộ Thông tin truyền thông cũng ủng hộ thí điểm mô hình đô thị thông minh ở phường, xã, sau đó triển khai khai rộng hơn ở quy mô một thành phố”- ông Dương Công Đức nói.